Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thành lập kiểm ngư cấp tỉnh ‘không quá nặng nề về biên chế’

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc thành lập kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển “không quá nặng nề về biên chế” hay phát sinh thêm nhân lực mà chủ yếu là kiện toàn lại đội ngũ sẵn có.

Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) đề xuất, bên cạnh hệ thống kiểm ngư trung ương và kiểm ngư vùng, cần thành lập hệ thống kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản hiện đang làm nhiệm vụ thanh tra tại các Chi cục Thủy sản các tỉnh. 

Thông tin thêm tại phiên họp sáng 21/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, nước ta có lợi thế bờ biển dài trên 3.260 km, ngư trường thềm lục địa hàng triệu km2. 

Ngành thủy sản có đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD thì một nửa khai thác từ biển.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu.

Lực lượng chấp pháp trên vùng biển có các lực lượng: cảnh sát biển, hải quân, nhưng vẫn phải có kiểm ngư. Hiện, lực lượng kiểm ngư đã có kiểm ngư trung ương, lực lượng này đã tham gia cùng các lượng chấp pháp khác thực thi pháp luật trên vùng biển ở đới ngoài khơi.

Còn đới lộng và đới trong bờ, nếu không có lực lượng kiểm ngư của tỉnh thì khó có thể xử lý hết được các vi phạm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lấy một ví dụ về vụ việc xảy ra trước đây, khi cơn bão số 10 đến, có tàu cá không vào bờ được nên địa phương mà trực tiếp là Bí thư Quảng Ngãi phải áp sát đưa tàu của địa phương ra ứng cứu.

“Như thế, nếu không có lực lượng kiểm ngư của 28 tỉnh ven biển thì không thể hoàn thành nhiệm vụ suốt từ trong lộng đến cận bờ của chúng ta, vì đây là khu vực cần tăng cường hoạt động giám sát. Có tổ chức này không quá nặng nề về biên chế, chủ yếu là kiện toàn lại, tăng cường chức năng, xác định nhiệm vụ, xác định rõ chế tài cần thiết để lực lượng này thành lực lượng chuyên với đủ tư cách pháp nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tờ trình Chính phủ cũng cho thấy, kiểm ngư cấp tỉnh sẽ được hình thành trên cơ sở chuyển đội ngũ thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Phòng Thanh tra (Pháp chế, thanh tra) thuộc Chi cục Thủy sản nên không làm xáo trộn về chức năng, nhiệm vụ. 

Để thực hiện nhiệm vụ này các Chi cục Thủy sản có xuồng và tàu thanh tra, tàu kiểm ngư, đội ngũ thuyền viên và người làm việc trên khối tàu, xuồng này là viên chức, lao động hợp đồng và đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản. Tại 28 tỉnh, thành phố ven biển có 94 tàu, xuồng và ca nô, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ là 345 thuyền viên (trong đó có 92 người là công chức, 71 người là viên chức; 182 người làm hợp đồng). 

Việc hình thành kiểm ngư cấp tỉnh về cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện để triển khai nhiệm vụ, chỉ phát sinh ngân sách nhà nước để chi chế độ phụ cấp cho đội ngũ này như kiểm ngư hiện tại khoảng 9 tỷ đồng/năm.

Tuy vậy, việc có quy định hình thành hay không kiểm ngư cấp tỉnh như dự thảo Luật hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư tại địa phương mà vẫn giữ nguyên tổ chức và hoạt động như hiện tại. 

Loại ý kiến thứ hai đồng tình thành lập hệ thống kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo Luật. Cũng có ý kiến cho rằng, tùy theo mức độ quan trọng, phạm vi vùng biển phụ trách thì có thể thành lập kiểm ngư cấp tỉnh.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra cho thấy, báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản cơ bản chưa đánh giá về hoạt động và hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm ngư. 

Mặt khác, qua khảo sát, không ít địa phương cho rằng, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành sang kiểm ngư là không phù hợp, chỉ cần tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động thanh tra và có sự phối hợp tốt của kiểm ngư vùng. 

Mặt khác, nếu chuyển thành lực lượng kiểm ngư thực hiện trên vùng biển thì không có lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành trên các vùng nội thủy (sông, hồ, đầm, phá). Ngoài ra, việc xây dựng thêm lực lượng kiểm ngư sẽ trái với tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 của BCH Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. 

Bài và ảnh: Xuân Phong
Không thể đánh bắt thủy sản 'vô tội vạ’
Không thể đánh bắt thủy sản 'vô tội vạ’

Theo Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh, cần có quy định về việc cấp hạn ngạch để đánh bắt thủy sản chứ không thể “đánh vô tội vạ, đánh bắt bao nhiêu cũng được, có khi là đánh hết”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN