Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tập trung thẩm định chất lượng sách giáo khoa

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần làm là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 1/11.

Sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Được dành 10 phút để giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các đại biểu đã nêu nhiều nội dung quan trọng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, tài chính cho giáo dục, tự chủ đại học, chính sách cho nhà giáo…

Về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục đào tạo đã nhận thức rõ được trọng trách, sứ mệnh của mình trong lĩnh vực này. Nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ của mình, hiện nay, 50.000 đến 100.000 nhân lực cần có cho ngành bán dẫn có thể chia thành nhiều nhóm chuyên môn với trình độ, yêu cầu khác nhau, hiện đang có ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Theo Bộ trưởng, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh thì có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn. Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo. 

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn. Trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này. 

Về vấn đề thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ đưa ra chỉ tiêu tuyển giáo viên cho các tỉnh, tuy nhiên, theo thống kê, các tỉnh vẫn còn lại 64 nghìn chỉ tiêu chưa dùng, vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, ở một số địa phương, không có nguồn tuyển để tuyển giáo viên theo đúng chỉ tiêu. Bộ trưởng cho rằng, cần sớm có những điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi, thực hiện các giải pháp khác một cách đồng bộ để nâng cao đời sống nhà giáo, góp phần thu hút nguồn nhân lực vào ngành giáo dục và đào tạo. 

Ngoài ra, về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận hệ thống sách giáo khoa cơ bản được biên soạn, phê duyệt, phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạ và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục… Bộ trưởng cho biết, đây là sự ghi nhận đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách. Về tài chính chi cho giáo dục, con số đưa ra là tính cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. 

Về việc soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần làm là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Về vấn đề được giao, Bộ sẽ có đánh giá tổng thể, sâu sắc về vấn đề này và sẽ có đề đạt phương án với Quốc hội.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 1/11, nhiều đại biểu đã có ý kiến liên quan đến giáo dục và đào tạo. Theo Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam), bậc đào tạo đại học có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ công tác nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, giữ gìn và lan tỏa văn hóa, thúc đẩy quốc gia đổi mới sáng tạo. Cần tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn cho bậc học này để giáo dục đại học thực hiện được sứ mệnh của mình. Trong đó, chính sách phát huy tự chủ đại học, phát huy vai trò của Hội đồng trường gắn với đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục cần được đặc biệt quan tâm.

Chú thích ảnh
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Vương Quốc Thắng cho biết, Hội đồng trường là thiết chế giúp cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ, thực hiện chức năng quản trị, giám sát và trách nhiệm giải trình. Thành viên Hội đồng trường quyết định khả năng triển khai hoạt động, thực hiện quản trị chất lượng, hiệu quả của cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Tuy nhiên hiện có một số tồn tại, hạn chế khiến cơ sở giáo dục đại học chưa phát huy hết vai trò tự chủ thực chất và thực hiện đầy đủ chức năng của Hội đồng trường như thiếu hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức Hội đồng trường, việc giám sát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học, kiểm toán nội bộ…

Do đó, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 99, trong đó đưa ra tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện để một cơ sở giáo dục đại học được coi là tự chủ quy định cụ thể, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường gắn với trách nhiệm quyền hạn thể chế hóa nội dung Hội đồng trường là cơ quan cao nhất của cơ sở giáo dục đại học. Quy định phương thức công khai kết quả kiểm định và giám sát khách quan, chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ nên ban hành Nghị định riêng để vận hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Trong đó, nhất quán với quan điểm tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, quy định mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ cấu quản trị, điều hành, khung tổ chức và hoạt động, Bộ công cụ giám sát hoạt động bên trong cũng như thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Quy định rõ cơ chế chức năng giám sát của Hội đồng trường .

Còn Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, cần có định hướng phát triển hạt nhân nguyên tử trong giai đoạn tiếp theo. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ về kết quả kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ đặc biệt quan tâm đến giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tiếp theo, trong đó có giải pháp tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 về phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới, các Nghị quyết Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030.

Chú thích ảnh
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, cần có định hướng phát triển hạt nhân nguyên tử trong giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đã chỉ ra những ưu điểm và tiềm năng phát triển ngành hạt nhân nguyên tử của nước ta. Trong đó, được hình thành từ việc nghiên cứu hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ năm 1976, ngành hạt nhân nguyên tử phát triển lớn mạnh, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho khóa học công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể như phát triển khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng; phát triển ngành y học hạt nhân, cung cấp dược chất phóng xạ nhằm chẩn đoán và điều trị ung thư; kỹ thuật hạt nhân đã được sử dụng để chọn tạo giống cây trồng, phục vụ phát triển chiếu xạ, kiểm dịch và hỗ trợ xuất khẩu; sử dụng trong điều tra, thăm dò và khai thác dầu khí…

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ có định hướng và chủ trương để phát triển một ngành hạt nhân nguyên tử mạnh bao gồm công nghệ lò phản ứng và các ứng dụng công nghệ khai thác và chế biến sâu đất hiếm góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có chính sách đặc thù để đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành cho lĩnh vực hạt nhân nguyên tử.

Đồng thời, theo đại biểu, cần tập trung ưu tiên đốc thúc thực hiện thành công dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới, dự án phát triển lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu đa mục tiêu nhằm ứng dụng bức xạ và sản xuất đồng vị phóng xạ. Nghiên cứu xây dựng một trung tâm y học hạt nhân của khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu phát triển máy gia tốc lớn tại phía Bắc để tập hợp đội ngũ các nhà khoa học của các viện nghiên cứu lớn, các trường đại học, các công ty lớn.

Thu Trang/Báo Tin tức
Xây dựng bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn: Còn nhiều quan điểm khác nhau
Xây dựng bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn: Còn nhiều quan điểm khác nhau

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận với nhiều luồng quan điểm khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN