Đánh giá câu hỏi về tinh giản biên chế với công chức đã tác động đến cải cách tiền lương như thế nào của đại biểu Tao Văn Giót (ĐBQH tỉnh Lai Châu), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng đây là câu hỏi hay. Đồng thời, bà cho biết: "Trong thời gian qua, chúng ta sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giảm tổ chức hành chính; giảm một loạt các đơn vị sự nghiệp; giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước".
Mục tiêu cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Điều này đã tác động rất lớn. Chúng ta mới có điều kiện nâng lương cho đội ngũ. Cụ thể, qua 3 năm (từ 2019 - 2022), chúng ta đã tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng. Đây là nguồn để chúng ta sẽ đưa vào làm lương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Tới đây, chúng ta tiếp tục phải thực hiện việc này để có thêm nguồn lực, cơ cấu lại một đội ngũ gọn hơn. Để có nguồn lực cải thiện đời sống của người lao động trong khu vực công".
Theo Bộ trưởng đây là một sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị vì chưa bao giờ chúng ta làm được việc sắp xếp tổ chức bộ máy và giảm biên chế được như thế.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chúng ta giảm được 10,01% biên chế công chức, giảm được 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Từ đó, có thể nói, góp phần rất là quan trọng vào việc tinh gọn được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, giai đoạn vừa qua có tình trạng cào bằng và một mặt nào đó vẫn giảm theo hướng cơ học. Vì tinh giản chỉ có khoảng 22%... Thêm nữa, các đơn vị không sử dụng và không tuyển thêm.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, chúng ta đã giao chỉ tiêu cho tất cả các cơ quan, đơn vị để thực hiện mục tiêu giảm 10% thì mới đạt được cái mục tiêu này. Vì rất nhiều năm trước đó rồi không làm nổi nhưng mà khi có Nghị quyết 39, Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Bộ Chính trị, đã làm được.
Mặc dù, còn có những hạn chế trong cào bằng, cơ học nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: "Chúng ta cũng đạt được mục tiêu này để làm cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để làm được điều này, đầu tiên có sự chuyển biến tích cực hơn. Nhưng nhìn một cách tổng thể việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc đầu ra. Mặt khác chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, vẫn còn có những nội dung như đại biểu nêu", Bộ trưởng cho biết.
“Để việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tốt hơn, trước hết sẽ phải tập trung để hoàn thiện một hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá đảm bảo đồng bộ, liên thông với lại các quy định của Đảng và theo hướng xuyên suốt, ba chiều. Thứ nhất, phải có tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể. Thứ hai, phải cố gắng tập trung hoàn thành xong được việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực. Thứ ba, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương phải căn cứ vào quy định chung của Đảng, quy định chung của Chính phủ để cụ thể hóa ở cơ quan, đơn vị mình để sắp xếp lại, đánh giá công khai, công bằng, dân chủ, chính xác”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.