Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm phù hợp, cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, thay đổi từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ” tại Điều 5, rà soát điều chỉnh tương ứng trong các điều, khoản liên quan (Điều 1). Đồng thời, dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều 5 theo hướng phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Dự thảo Luật chỉnh lý khoản 2 Điều 39 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng theo hướng không quy định lại trách nhiệm chung mà các đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh đều phải tuân thủ, chỉ quy định về trách nhiệm gắn liền với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, cần xem xét quy định quyền được trả lại sản phẩm, hàng hóa và hoàn trả toàn bộ chi phí mua sắm sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa không đúng quảng cáo, cam kết hoặc công bố của người bán.
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, đại biểu đề nghị cho phép người tiêu dùng được phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đồng thời hiển thị đầy đủ và chính xác kết quả phản hồi, đánh giá.
Nêu giải pháp để đảm bảo nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng từ sớm, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề xuất cần bổ sung quy định cơ quan Nhà nước, cá nhân, tổ chức trong trường hợp cụ thể phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc gây thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng...
"Chẳng hạn hành vi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn; tình trạng rau 2 luống, lợn 2 chuồng hay tình trạng bơm tạp chất trong rau, thịt, cá... Thực tế, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng học sinh, công nhân trở thành nạn nhân của hành vi này. Nhiều trường hợp bị ngộ độc và nguy hiểm tính mạng", đại biểu dẫn chứng. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, hành vi này nếu được ngăn chặn từ sớm sẽ không đến tay người tiêu dùng và sẽ không có thiệt hại như thời gian qua.
Cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị dự thảo Luật nên bổ sung quy định cấm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao thông tin được thu thập phù hợp với quy định của luật này và pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ, hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định của luật này.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chỉ rõ, hiện nay, một trong những vấn đề đang gây phiền phức, bức xúc cho người tiêu dùng đó là những thông tin cá nhân của họ bị lộ, lọt và rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội. Dư luận nghi ngờ, thông tin cá nhân đang bị một số cơ sở kinh doanh trao đổi, mua bán nhằm mục đích trục lợi và yêu cầu pháp luật phải có biện pháp xử lý nghiêm.
Đại biểu cho rằng, đến thời điểm hiện này, dự thảo Luật đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như: hành vi thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin. Tuy nhiên, những quy định này chưa bao quát được đầy đủ những hành vi có tính chất phổ biến xảy ra trong thời gian gần đây và đối chiếu với pháp luật liên quan cũng chưa đầy đủ. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm, như hành vi cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng.
Cuối phiên họp chiều 5/4, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Giá (sửa đổi).