Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sách giáo khoa sau khi được Hội đồng thẩm định

Dưới sự điều hành chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) đã được các đại biểu Quốc hội (QH) bàn thảo trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình, tại phiên họp thứ 31, UBTVQH đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), tiếp thu ý kiến UBTVQH, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân; xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Giáo dục (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, SGK GDPT, bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị chương trình GDPT là thống nhất, xây dựng một bộ SGK chung cho cả nước; làm rõ tiêu chí lựa chọn SGK; quy định cụ thể việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục.  

Về quy định mục tiêu, nội dung, chương trình, SGK GDPT, ông Phan Thanh Bình cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã sắp xếp, bổ sung các quy định cụ thể về các yêu cầu cơ bản của chương trình, SGK GDPT; về việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, phát hành SGK. Các nội dung chi tiết và trình tự, thủ tục sẽ được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính cân đối trong bố cục của Luật và phù hợp với thực tiễn (Điều 31).

Về quy định chương trình, SGK GDPT bảo đảm thống nhất trong toàn quốc: Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, SGK GDPT trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của QH về đổi mới chương trình, SGK GDPT. Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình GDPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. SGK là công cụ để triển khai chương trình GDPT và được thẩm định, phê duyệt, ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.  

Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật đã quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Việc thực hiện chương trình GDPT thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Việc ban hành quy định về chọn SGK (Điều 31); bổ sung quy định về thực nghiệm chương trình GDPT trước khi ban hành (khoản 1 Điều 31) và Chính phủ trình UBTVQH trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc thí điểm đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 104). Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT, SGK (Khoản 3 Điều 31).

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH đề nghị giữ như quy định Dự thảo Luật về chương trình, SGK GDPT.

Thảo luận về vấn đề SGK, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến chỉ ra rằng: SGK còn nhiều đại biểu QH và cử tri rất quan tâm, bởi trong những năm qua SGK không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm; có quá nhiều sách tham khảo bắt học sinh phải mua, đây là vấn đề gây bức xúc.

Với quy định này ông Hà Ngọc Chiến rất băn khoăn, vì Nghị quyết số 29-NQ/TW có nêu rõ việc biên soạn SGK, tài liệu hỗ trợ dạy và học phải phù hợp với từng đối tượng học. Như vậy, không có nghĩa là tất cả các bậc học, mầm non, THCS, THPT đều biên soạn nhiều SGK cho một môn học. Nếu quy định như dự thảo thì có thể lãng phí, chưa định hướng được cấp bậc học tiểu học, mầm non….

Cùng quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Tại điểm 2, Điều 31 về Chương trình GDPT, SGK nêu “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa...” tôi thấy vấn đề này chưa ổn, Luật Giáo dục (sửa đổi) cần xem xét lai vấn đề này, nhất là vấn đề giá SGK nhiều năm qua chưa có sự thay đổi”.

Làm rõ thêm những vấn đề đại biểu QH nêu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã tiếp thu những ý kiến đại biểu QH nêu và khẳng định là dù có ai biên soạn SGK thì vẫn có Hội đồng quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định có cho sử dụng SGK đó hay không. Cho nên, về bản chất, tất cả SGK sau này đều là Chính phủ và Hội đồng Quốc gia quyết. Chỉ là trước đây có một quyển hay một bộ thì bây giờ có nhiều quyển, nhiều bộ, nhưng cuối cùng thì vẫn là Bộ trưởng ký quyết định, điều này thể hiện rất rõ trong Luật Giáo dục (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Viết Tôn

“Theo tôi, tiến tới không ấn định chỉ có một bộ SGK, thì tương tự chúng ta hiểu là như một bài văn chỉ làm đề cương chi tiết thôi, còn lời lẽ bài văn tùy từng nơi. Ví dụ như môn Lịch sử chương trình cũng rất chi tiết phải dạy như thế nào, nhưng người ta có thể sắp xếp thứ tự dạy về người này trước, người này sau, hay về một nhân vật người ta có thể chọn những câu chuyện khác nhau nhưng vẫn thể hiện được đúng bản chất của nhân vật đó. SGK là vấn đề xã hội rất quan tâm. Nếu nói với cả nước thì đó là khoản chi không lớn nhưng với từng gia đình một, với những người nông dân, người nghèo thì đây là một khoản chi rất đáng kể, nhân dân rất quan tâm. Mình phải có cách làm sao để có cách sử dụng SGK tiết kiệm. Điều 41 của dự thảo Luật đã quy định rất đầy đủ trách nhiệm, nhưng tôi nghĩ cũng nên tiếp thu ý kiến của Chủ tịch QH có cách nói cứng hơn về trách nhiệm của Bộ trưởng liên quan đến sử dụng SGK, làm sao sử dụng tiết kiệm sau này cho xã hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Tiếp thu những ý kiến của đại biểu QH nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: SGK lần này khác lần trước bởi cụ thể hóa chương trình có tính pháp lệnh thống nhất trong toàn quốc. Người dạy theo chương trình mới, không nhất thiết bám chặt SGK, ngoài ra còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp vì mục đích chính của đổi mới lần này là đổi mới dạy và học.  

“Trong quá trình chuẩn bị, biên soạn SGK rất chi tiết, huy động các nhà khoa học, nhà giáo tham gia, khác hẳn phát hành sách thông thường. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo biên soạn, đồng thời khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn nhưng phải bám vào chương trình, quy trình thủ tục biên soạn theo Thông tư. Khi có bản thảo rồi thì Hội đồng quốc gia thẩm định đảm bảo công bằng giữa các bộ sách. Điều kiện tiêu chuẩn người viết SGK chứ không phải ai cũng biên soạn. Bộ trưởng ký ban hành sách đó sau khi Hội đồng thẩm định chứ không phải viết xong là phát hành”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhất trí cần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân. Về chương trình SGK, quá trình biên soạn cần quy tụ được những người có trình độ sư phạm, có năng lực chuyên môn, đã qua thực tiễn giảng dạy và quản lý.

“Nhân dân mong muốn cần công khai Hội đồng viết SGK, viết SGK sao phải đúng định hướng; việc đãi ngộ những người viết SGK như thế nào cho xứng đáng. Việc in SGK cũng phải tránh độc quyền, cần phải minh bạch. Nội dung SGK đã xuất bản phải bảo đảm đúng Luật xuất bản, Luật sở hữu trí tuệ…”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Viết Tôn/Báo Tin tức
Giữ gìn bản sắc dân tộc trong kiến trúc
Giữ gìn bản sắc dân tộc trong kiến trúc

Sáng 12/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN