Bệnh viện được được thành lập với mục đích nâng cao năng lực tiếp nhận cách ly điều trị, cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh, với quy mô điều trị cùng thời điểm tối đa lên đến 3.000 giường. Toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trưng dụng làm bệnh viện được Công ty TNHH Hoàng Hùng tài trợ. Theo đó, cùng với việc cho mượn khuôn viên các nhà xưởng của mình, Công ty Hoàng Hùng còn phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để bệnh viên có thể vận hành tốt, đáp ứng nhu cầu cách ly điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã bổ nhiệm bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, làm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 4.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 4 khẩn trương tiếp nhận bệnh nhân trong 2 ngày tới. Đây là việc làm mang tính cấp thiết nên không được chủ quan, lơ là, không được làm khó người bệnh.
Bình Dương đang là một trong những địa bàn "nóng" về dịch COVID-19. Cùng với việc đẩy nhanh các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, thời gian qua Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng khẩn trương quy hoạch, nhanh chóng xây dựng và đưa vào hoạt động đối với nhiều khu điều trị COVID-19. Tỉnh cố gắng nâng cao năng lực điều trị, cứu chữa bệnh nhân COVID-19 theo mô hình “tháp 3 tầng”. Những trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng có thể bố trí cách ly điều trị tại chỗ hoặc cách ly tại nhà, trong khi đó những bệnh nhân có triệu chứng sẽ được bố trí điều trị tại các bệnh viện dã chiến hoặc các khu điều trị chuyên biệt tùy theo năng lực chuyên môn.
Trước đó, ngày 3/8, Bình Dương đã đưa vào hoạt động khu điều trị COVID-19 với sức chứa 5.300 giường đặt tại nhà xưởng của Tổng Công ty Becamex IDC. Ngoài ra, Bình Dương còn trưng dụng một khu trong Trường Đại học Việt Đức làm khu điều trị COVID-19 với 3.000 giường.
* Ngày 9/8, Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ tổ chức lễ tiếp nhận Bệnh viện Dã chiến số 2 với quy mô 800 giường, gồm 2 khu: Khu A có 600 giường đặt tại Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ; khu B có 200 giường đặt tại Nhà Thi đấu đa năng Cần Thơ.
Bệnh viện Dã chiến số 2 là cơ sở 2 của Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, do ông Võ Hồng Sở, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2. Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị các trường hợp mắc COVID-19 mức độ trung bình, vừa và nhẹ trên địa bàn thành phố.
Theo ông Võ Hồng Sở, ngày 9/8, Bệnh viện Dã chiến số 2 chính thức đưa vào hoạt động khu B (200 giường). Theo đó, nhân sự được bố trí làm việc tại khu B là 77 cán bộ, nhân viên, bác sĩ của Bệnh viện Tim mạch và sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Riêng khu A với quy mô 600 giường đang hoàn chỉnh trang thiết bị, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng; khi nào hoàn tất sẽ tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đang sắp xếp, bố trí nhân sự làm việc tại khu A khi khu này đi vào hoạt động.
Cùng ngày, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định thành lập thêm hai bệnh viện dã chiến trực thuộc Sở Y tế: Bệnh viện Dã chiến số 4 (đặt tại Trung đoàn 932, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) với quy mô 400 giường và Bệnh viện Dã chiến số 5 (đặt tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều) với quy mô 250 giường.
Trước đó, vào ngày 4/8, Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Trường Chính trị Cần Thơ với quy mô 400 giường đã được kích hoạt tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Tính đến thời điểm này, Cần Thơ có 13 bệnh viện tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó, có 9 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 2.400 giường.