Việt Nam đang gồng mình ứng phó với đợt dịch COVID-19 thứ 4, là đợt dịch quy mô lớn nhất, nguy hiểm nhất với số ca mắc nhiều nhất từ trước tới nay. Với mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho người bệnh COVID-19, giảm tối đa số ca tử vong, qua từng giai đoạn, ngành Y tế nước ta đã có những thay đổi linh hoạt trong chiến lược điều trị, nhằm đạt hiệu quả cao nhất, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của các bệnh nhân COVID-19.
Những ngày hè nóng nực của năm 2021 như càng bỏng rát hơn với thông tin về diễn biến dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Chiều 24/7, đúng 3 tháng sau khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đã có thư ngỏ gửi các đồng nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh gần, xa để kêu gọi chung tay cùng hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.
“Sự bùng phát dịch COVID-19 do biến chủng Delta tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố và gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng”…
Là người từng "chinh chiến" hết điểm điểm nóng dịch này sang điểm nóng khác; kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện; có lẽ đây là chuyến công tác khiến Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trăn trở nhất. Từng lời trong thư ngỏ là những lo lắng, động viên, kêu gọi sự chung tay của cả nước với TP Hồ Chí Minh để chống lại dịch bệnh đang rất căng thẳng tại đây cùng các địa phương khác. Nhờ nỗ lực của Thành phố và sự chi viện của cả nước, các hoạt động kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện, nhưng sự phát tán của virus SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị vẫn gặp khó khăn và quá tải.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, cùng với sự gồng mình ứng phó là những cách làm sáng tạo, phù hợp của ngành Y để nỗ lực kiểm soát dịch, bảo đảm an toàn trong công tác điều trị từ những ngày đầu đợt dịch đến nay.
Các cán bộ ngành Y hẳn không quên những ngày đầu khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Ngày 27/4, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm trong nước đầu tiên tại (Yên Bái) sau nhiều ngày không có ca cộng đồng. Dịch đã âm ỉ lây lan trong cộng đồng tại nhiều tỉnh thành phố, khi sau đó đã xuất hiện nhiều ổ dịch, nhiều hình thái lây mới như: Nguồn lây từ khu cách ly, bệnh viện, trên máy bay, trong quán bar, karaoke, đám cưới… Đặc biệt là dịch đã tràn vào nhiều bệnh viện, vào các khu công nghiệp… là những nơi hết sức phức tạp, đông người, lây lan nhanh.
“Dịch xảy ra tại Bắc Giang, xuất phát từ trong khu công nghiệp, quy mô lớn và tốc độ lây lan nhanh. Từ nhà máy dịch đã lan ra cộng đồng rất nhanh và khó kiểm soát. Trong đợt dịch lần này, có sự xuất hiện của biến chủng Delta (ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ) với khả năng chu kỳ lây nhiễm nhanh và mạnh nhiều lần là nguyên nhân dẫn đến việc dập dịch ở Bắc Giang khó khăn, phức tạp hơn trước đó rất nhiều. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và sự hỗ trợ toàn diện của Bộ Y tế, sự chung sức, đồng lòng của người dân Bắc Giang và các địa phương; đồng thời có đánh giá đầy đủ tình hình, xây dựng được chiến lược, triển khai chống dịch bài bản, phù hợp với đặc thù của tỉnh; Bắc Giang đã trải qua giai đoạn chống dịch khó khăn và đã kiểm soát được tình hình”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định.
Tuy nhiên, ngay sau khi tạm lắng tại Bắc Ninh, Bắc Giang, dịch COVID-19 lại nóng lên tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày; tổng số ca tử vong từ đầu đợt dịch này đến nay cũng đã lên tới con số hàng nghìn.
Tính đến hết ngày 6/8, Việt Nam có 193.381 ca nhiễm trong đó có 2.338 ca nhập cảnh và 191.043 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 189.473 ca, trong đó có 59.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh trong đợt dịch này. Theo thống kê của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến nay đã ghi nhận 3016 ca tử vong; riêng trong đợt dịch thứ 4 đã có 2981 ca tử vong.
Với số ca mắc lên tới hàng chục nghìn, số ca nặng cũng tăng cao, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, các chiến lược điều trị người bệnh COVID-19 cũng đã phải thay đổi liên tục để phù hợp với tình hình dịch và năng lực của hệ thống y tế, nhất là trong đợt dịch thứ 4.
Khác với 3 đợt dịch trước với số ca mắc còn ít, số cơ sở y tế huy động cho cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa nhiều; đến đợt dịch thứ 4, từ giai đoạn dịch bùng phát mạnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh đến hiện nay là tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khu vực miền Nam, cách tổ chức phân tuyến, điều trị đã có nhiều thay đổi.
Như đợt dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, với việc đặt Bộ phận thường trực đặc biệt tại các điểm nóng, Bộ Y tế đã có những quyết định chưa có tiền lệ; vẫn giữ vững nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả; nhưng đã có những thay đổi về phòng chống dịch trong cách ly, xét nghiệm và điều trị.
Đơn cử như việc tổ chức xét nghiệm được triển khai trên diện rộng và tốc độ xét nghiệm nâng lên rất nhiều; lên tới gấp 3 lần so với những ngày cao điểm trước đó. Nếu trước đó chỉ dùng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR (kết quả chính xác cao, nhưng mất nhiều thời gian từ 4- 6 tiếng), thời điểm đó, chúng ta áp dụng thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc cho công nhân và các đối tượng F1; nhằm sớm đưa người có mầm bệnh ra khỏi cộng đồng trên quan điểm "thà nhầm còn hơn bỏ sót". Đặc biệt Bộ Y tế còn tập huấn cho công nhân các nhà máy, trong khu vực cách ly biết cách tự lấy mẫu xét nghiệm để tự làm test nhanh.
Hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, mô hình điều trị người bệnh COVID-19 theo “tháp 5 tầng” đang phát huy hiệu quả. Đây là kết quả học tập có sáng tạo các mô hình điều trị của thế giới, gắn với “mô hình 3 tầng” từng triển khai trong nước tại các địa phương.
Từ khi đợt dịch bùng phát mạnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh, để đáp ứng với số bệnh nhân tăng cao trong thời điểm đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo thiết lập đơn vị hồi sức tích cực (ICU), phòng cấp cứu, các đơn vị điều trị ngay tại tuyến cơ sở.
Mô hình điều trị "tháp 3 tầng" đã ra đời, mới chỉ có tại Bắc Giang. Mô hình này được triển khai thông qua sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của Tổ điều trị thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, các Bệnh viện và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Tổ trưởng Tổ điều trị thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang khi đó cho biết: “Ngay từ khi phân tích đặc điểm tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang, Tổ điều trị đã đánh giá công tác điều trị sẽ gặp những thách thức lớn, vì số ca dương tính tăng rất nhanh trong thời gian ngắn. Điều này đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng thiết lập một hệ thống điều trị bảo đảm thu dung toàn bộ số lượng F0, đồng thời đáp ứng điều trị các ca bệnh diễn biến nặng. Tuy nhiên, không thể nào thiết lập nhiều Bệnh viện dã chiến cùng một lúc, vì rất tốn kém và mất thời gian, mà phải tìm ra phương án khác phù hợp hơn. Mô hình điều trị tháp 3 tầng đã ra đời”.
Theo cơ chế "tháp 3 tầng", tầng thứ nhất là các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân COVID-19, được tận dụng từ các cơ sở hạ tầng sẵn có của Bắc Giang như ký túc xá các trường, trung tâm chăm sóc người có công, khu nhà ở xã hội... Các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ, tuỳ theo mức độ lâm sàng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả bệnh nhân đều có bệnh án, được theo dõi y tế như ở bệnh viện.
Tầng thứ hai bao gồm 11 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Đây là các Bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ các trung tâm y tế huyện và các Bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn tỉnh.
Tầng thứ ba là cơ sở điều trị bệnh nhân nặng - trung tâm hồi sức tích cực (ICU). Bộ phận thường trực đặc biệt đã quyết định thành lập 2 ICU, gồm ICU lớn nhất miền Bắc với quy mô 101 giường đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang, được hoàn thiện chỉ trong 5 ngày, và một ICU đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang với quy mô 58 giường.
Nhờ đó, hệ thống điều trị tại điểm nóng Bắc Giang đã đáp ứng được yêu cầu; thu dung điều trị người bệnh hợp lý; nhiều ca bệnh nặng đã được chữa khỏi, hồi phục ngay tại địa phương.
Để có thể thực hiện được theo chiến lược điều trị mới, Bộ Y tế đã huy động rất lớn lực lượng cán bộ, nhân viên y tế từ tuyến Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố, cũng như các trường đại học, cao đẳng về hỗ trợ cho điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang phòng chống dịch.
Sau đó, mô hình điều trị tháp 3 tầng tiếp tục được áp dụng tại điểm nóng TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh ngày càng phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng cao, tương ứng số ca nặng và tử vong cũng tăng; sau đó mô hình tiếp tục được chuyển đổi thành mô hình “tháp 4 tầng” và lên “tháp 5 tầng” để phù hợp với kế hoạch thu dung và điều trị người bệnh trong tình hình mới.
Cụ thể, mô hình tháp 5 tầng đang được áp dụng tại TP Hồ Chí Minh gồm: Tầng 1 là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 tại địa bàn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Nhiệm vụ của tầng này là sàng lọc người bệnh COVID-19 không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện để đưa về giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú theo quy định. Tiếp theo là chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp COVID-19 có triệu chứng nhẹ; và xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Kế hoạch tầng 1 thu dung khoảng 50% trong tổng số trường hợp F0.
Tầng 2 là Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19. Tầng này có nhiệm vụ điều trị các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Theo kế hoạch, tầng này thu dung khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0.
Tầng 3 là Bệnh viện điều trị COVID-19 các trường hợp có triệu chứng; với nhiệm vụ điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền. Đồng thời hồi sức cấp cứu (thở máy) cho một số trường hợp chuyển biến nặng; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Tầng 3 dự kiến thu dung khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0. Đây là tầng hiện đang gặp nhiều khó khăn do quá tải tại TP Hồ Chí Minh, đang được huy động để hỗ trợ.
Tầng 4 là Bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng này có nhiệm vụ điều trị điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nặng có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) cho các trường hợp nặng. Tầng này sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0.
Ở tầng 5 là Bệnh viện hồi sức COVID-19; ở tầng cao nhất này là những bệnh viện được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nguy kịch. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh COVID-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế. Tầng này phụ trách thu dung khoảng 5% người bệnh rất nặng trong tổng số trường hợp F0.
Việc linh hoạt thay đổi mô hình điều trị đã mang lại kết quả khả quan khi những ngày gần đây, số lượng người bệnh COVID-19 được chữa khỏi đã lên tới hàng ngàn bệnh nhân/ngày. Đặc biệt, rất nhiều bệnh nhân nguy kịch đã được chữa khỏi ngay tại "tầng thứ 5" của mô hình này.
Một trong những điểm nhấn trong chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 tại đợt dịch thứ 4 là việc Bộ Y tế mạnh dạn thực hiện thí điểm cách ly F0 tại nhà, điều mà trong các đợt dịch trước đó Việt Nam chưa từng nhắc tới.
Khi số ca mắc tăng cao kỷ lục tại TP Hồ Chí Minh như vừa qua, hệ thống y tế đã phải gồng mình gánh số lượng người bệnh COVID-19 nhập viện điều trị rất lớn, trước nguy cơ quá tải, thiếu giường bệnh, Bộ Y tế đã quyết định đưa ra việc thực hiện triển khai thí điểm cách ly, điều trị một số trường hợp F0 tại nhà.
Vừa qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc COVID-19 tại nhà”.
Theo đó, sẽ có 2 trường hợp F0 được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trường hợp 1 là những F0 không triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp tục. Trường hợp 2 là những F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ốn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Với F0 cách ly tại nhà phải có cam kết cùng gia đình thực hiện đúng quy định về phòng tránh lây nhiễm và được giám sát thực hiện. Các cơ quan chức năng giám sát sự tuân thủ của người cách ly theo quy định và báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường, xã.
Đồng thời các địa bàn có người cách ly cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện quận, huyện, công an và các tình nguyện viên...), cung cấp số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh để người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà dễ dàng liên hệ khi cần hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp. Tổ phản ứng nhanh sử dụng xe cứu thương của bệnh viện quận, huyện (khi cần thiết).
Trong trường hợp F0 không tuân thủ đúng cam kết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ban hành quyết định chuyển F0 đến các cơ sở cách ly tập trung cho người mắc COVID-19 trên địa bàn thị trấn, phường, xã và quận, huyện để tiếp tục chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Tùy vào mức độ vi phạm mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương đưa ra các hình thức xử lý phù hợp theo quy định.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương để có thể triển khai việc cách ly F0 tại nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang tổ chức thực hiện cách ly các trường hợp F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú; giám sát các trường hợp F0, F1 được cách ly tại nhà.
Với người có xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, có triệu chứng hoặc thuộc nguy cơ cao nhanh chóng thực hiện xét nghiệm RT-PCR và chuyển đến khu cách ly tập trung tại quận huyện. Người có xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính không có triệu chứng, không thuộc nhóm nguy cơ cao, tạm thời theo dõi, chăm sóc, cách ly tại nhà trong khi chờ xét nghiệm RT-PCR.
Về việc đưa vào thí điểm cách ly F0 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương nhận định: Thống kê gần đây của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh có hơn 90% số người nhiễm virus SARS-CoV-2 là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và không cần chăm sóc y tế. Nếu số F0 này đưa hết vào bệnh viện thì riêng việc bố trí giường bệnh, chăm sóc đã là gánh nặng rất lớn. Các bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải làm hồ sơ, bệnh án, chăm sóc, điều trị dinh dưỡng cho những người này như 1 người bệnh mặc dù chưa cần thiết. Việc này cũng dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải, bệnh viện không còn nguồn lực để chăm sóc các bệnh nhân khác đang cần hơn. Các bệnh nhân khác sẽ rất thiệt thòi, không có cơ hội tiếp cận với điều trị, sẽ làm gia tăng số người tử vong do không được tiếp cận dịch vụ y tế”.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng phân tích: “Cần phải phân biệt rõ khái niệm những người có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng với bệnh nhân COVID-19. Những người có kết quả dương tính chỉ là tiềm năng có thể trở thành người bệnh chứ chưa phải là bệnh nhân COVID-19”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, việc đề xuất cho F0 cách ly tại nhà là hợp lý, nếu đủ điều kiện. Các trường hợp F0 này có thể tự theo dõi sức khoẻ, thậm chí được chữa bệnh tại nhà trong trường hợp họ bị mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng. Bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị những ca bệnh nặng, có biến chứng. Tuy nhiên, điều kiện để cách ly phải đảm bảo tuyệt đối nghiêm ngặt, không để tiếp xúc với người khác, sinh hoạt liên quan đến người khác, không để lây lan mầm bệnh ra cộng đồng. Đây là biện pháp có lợi, có thể tiết kiệm công sức, tiền của cho cả ngành y tế và nhà nước. Đây cũng là cách nhân dân cùng chia sẻ gánh nặng với nhà nước; vì để tổ chức cách ly sẽ kéo theo rất nhiều điều kiện như: Người tổ chức, người canh gác… rất tốn kém”.
Bên cạnh đó, vấn đề cách ly bệnh nhân COVID-19 tại nhà sau thời gian nằm viện cũng được rút ngắn dựa trên các căn cứ thực tiễn, khoa học và trong đó tiêu chí tối cần thiết là đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Ngày 14/7, Bộ Y tế đã ban hành văn bản 5599 về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo đó, quy định mới đã rút ngắn thời gian điều trị đối với các F0 không triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân COVID-19 sau 10 ngày được thu dung điều trị tại các cơ sở y tế sẽ được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp Realtime RT-PCR, nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được chuyển về cách ly tại nhà theo quy định. Với những trường hợp dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT>=30) cũng có thể đưa về nhà để theo dõi, điều trị tại nhà vì những trường hợp này khả năng lây nhiễm ra những người xung quanh là rất thấp, cực kỳ thấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các bệnh nhân COVID-19 đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được theo dõi y tế theo quy định. Đồng thời đối với những trường hợp này, Bộ Y tế cũng đã đưa ra những hướng dẫn, khuyến cáo về tự theo dõi sức khỏe, liên hệ chặt chẽ với các đơn vị y tế để xử trí khi cần thiết.
Hiện tại, mô hình cách ly F0 không triệu chứng tại nhà sau khi rút ngắn thời gian điều trị vẫn đang tiếp tục được triển khai tai TP Hồ Chí Minh. Tuy chưa có đánh giá tổng thể nhưng trong tình hình hiện nay, mô hình này được nhìn nhận là đã góp phần làm giảm tải cho các bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời khi người bệnh được cách ly tại nhà trong điều kiện bảo đảm, thì các yếu tố tinh thần cũng góp phần đề bệnh nhân mau khỏi bệnh và khỏe mạnh hoàn toàn.
Những ngày này, các đoàn quân áo trắng từ các bệnh viện lớn, các địa phương đang nối nhau, tiếp tục lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch.
Ngày 5/8, sân bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngợp một màu trắng áo blouse, đoàn xe với băng rôn đỏ cùng những khẩu hiệu xếp hàng ngay ngắn trong tiếng nhạc rộn ràng. Chưa bao giờ bệnh viện xuất quân với lực lượng hùng hậu như vậy. Với khẩu hiệu “Miền Nam gọi, Việt Đức lên đường”, 300 y bác sĩ của bệnh viện đã tình nguyện tiến thẳng tới điểm nóng dịch TP Hồ Chí Minh, tham gia thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại xã Bình Tân, huyện Bình Chánh, tiếp sức cho TP chống đại dịch COVID-19, cứu chữa người bệnh COVID-19 nặng và rất nặng. Trong giây phút ngắn ngủi chia tay đồng nghiệp, chưa hẹn ngày về, dù có bùi ngùi, có lo lắng, nhưng ở các chiến sĩ áo trắng vẫn là sự vững vàng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: “Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ, có cả hiểm nguy nhưng đồng thời cũng là một nhiệm vụ hết sức vẻ vang của những người thầy thuốc. Ngay khi nhận được thông báo của Bệnh viện, các cán bộ, thầy thuốc và nhân viên Bệnh viện; đặc biệt là các thầy thuốc trẻ đã đồng loạt xung phong lên đường. Bệnh viện đã chuẩn bị lực lượng lớn nhân viên y tế cùng số lớn thuốc, trang thiết bị vật tư y tế vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh”.
Trước đó, để phục vụ xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Việt Đức đã chuyển vào gần 8 tấn trang thiết bị y tế của Bệnh viện và 9 y, bác sĩ; đi vào bằng tàu hoả. Ngay khi đến ga Sài Gòn, 8 tấn trang thiết bị y tế đã được vận chuyển đến Trung tâm này.
Cũng với khí thế không quản ngại gian khó, đồng lòng cùng miền Nam chống dịch, Bệnh viện Hữu Nghị cũng mới cử đoàn công tác gồm 35 bác sĩ, điều dưỡng vào hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu COVID-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu, (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh); cùng với 9 y bác sĩ cũng vào Tiền Giang hỗ trợ.
“Đã là cán bộ y tế, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đi tham gia điều trị người bệnh. Mặc dù có những lo lắng, bởi tại TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch đang rất căng thẳng, có nhiều bệnh nhân nặng, khả năng lây nhiễm cao nhưng chúng tôi cũng khá yên tâm bởi những người tham gia hỗ trợ lần này đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Và chúng tôi cũng đã được tập huấn, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu”, BS. Hoàng Minh Viết, Trưởng đoàn hỗ trợ của Bệnh viện Hữu Nghị tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Có lẽ, đợt dịch thứ 4 cũng là đợt dịch có sự huy động lực lượng y tế đông đảo nhất từ trước tới nay, nhất là giai đoạn chống dịch tại điểm nóng TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam. Không chỉ các bệnh viện lớn, tuyến trung ương mà các bệnh viện địa phương, các trường đại học, các sinh viên y khoa cũng hưởng ứng nhiệt tình, đi chi viện, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam chống dịch.
Với tinh thần đoàn kết, chung tay, những chiến sĩ áo trắng đang cùng nhau tạo nên thành luỹ để cùng nhau và cùng người bệnh chiến đấu với COVID-19.
Clip các đoàn quân áo trắng của các bệnh viện lên đường hỗ trợ các tỉnh miền Nam chống dịch:
Trước đó, khi dịch bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các đoàn quân áo trắng của các tỉnh đã lên đường hỗ trợ nhiệt tình thì ngay sau khi dịch được kiểm soát; tất cả lại cùng hướng về TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh cũng đang rất “căng” như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang…
Với nhu cầu nhân lực y tế rất cao phục vụ điều trị số lượng bệnh nhân COVID-19 lớn, đang tăng từng ngày; ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh cũng đã có thư ngỏ gửi các đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh gần, xa để kêu gọi chung tay cùng nhau hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Ngay sau lời kêu gọi ấy, đã có hàng nghìn lượt người đăng ký tham gia hỗ trợ chống dịch; số nhân lực tình nguyện này được cử đến các cơ sở điều trị và các quận, huyện có nhu cầu về nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để hỗ trợ chuyên môn cho TP Hồ Chí Minh trong điều trị số lượng bệnh nhân lớn, Bộ Y tế cũng đã điều tất cả các đồng chí lãnh đạo Cục, Vụ liên quan và Giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Hữu nghị… của Bộ Y tế vào Thành phố Hồ Chí Minh để cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19.
Bộ Y tế giao Giám đốc các bệnh viện trung ương làm giám đốc các Trung tâm hồi sức COVID-19. Cụ thể, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn Quận Thủ Đức; Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 của TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13; các Trung tâm này đều có quy mô 500 giường bệnh.
Bên cạnh đó, Giám đốc các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K được giao nhiệm vụ sẵn sàng chung sức thiết lập thêm một Trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.
Đặc biệt, để ứng phó với các tình huống dịch có thể xảy ra tại các địa phương, Bộ Y tế cũng đã ban hành Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng". Đề án thiết lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia tại cả 3 miền với các quy mô từ 200- 3.000 giường bệnh. Các Trung tâm Hồi sức tích cực được đặt tại các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2), Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: Theo khảo sát năm 2021, cả nước có khoảng trên 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực. Cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương vẫn đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng.
Trong khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch bệnh COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm gia tăng ca bệnh nặng; số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao. Hiện hệ thống khám, chữa bệnh của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, chưa từng có trong lịch sử.
Vì vậy, Đề án thành lập các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 rải đều ở các khu vực nhằm phát huy phương châm “4 tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm: Tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh COVID-19 nặng để điều trị. Bên cạnh đó, Đề án này cũng đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới các trung tâm thu dung, điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng trên phạm vi toàn quốc...
Cùng với những nỗ lực, tập trung tối đa ứng phó với đợt dịch phức tạp lần này; những ngày gần đây, nhiều bệnh nhân rất nặng được điều trị khỏi dù số bệnh nhân rất lớn; số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố trong ngày tăng lên nhanh; có ngày tới 3.000-4.000 người khỏi bệnh. Đây là những tín hiệu vui cho thấy hiệu quả của các chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 luôn thay đổi, đi đúng hướng để đáp ứng tình hình.
Với sự quyết tâm của Chính phủ và nhân dân cả nước với những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch lây lan cùng nỗ lực hết mình của ngành Y trong đáp ứng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, giải quyết số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở, hạn chế tối đa các ca trở nặng, tử vong.
Bài: Tạ Nguyên
Ảnh: TTXVN- BYT
Clip: Lê Phú
Trình bày: Thuần Như
07/08/2021 12:59