Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng về những thành tựu, triển vọng và cơ hội để Sóc Trăng đi lên trong những năm tới. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Đồng chí có thể cho biết những nét chính về thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân Sóc Trăng đã đạt được trong 30 năm qua?
Sau 30 năm tái lập, có thể nói, Sóc Trăng đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Với sự nỗ lực của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, Sóc Trăng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện, trong đó, có những chủ trương đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển; đưa tỉnh từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp là chủ yếu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp… nay đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Năm 2021, quy mô kinh tế của tỉnh (GRDP - tính theo giá hiện hành) của tỉnh đạt 57.120 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1992; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 10,18%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.031 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 44,78%, giảm 23,52%; công nghiệp, xây dựng chiếm 15,11%, tăng 5,43%; dịch vụ chiếm 40,11%, tăng 18,09%.
Nông nghiệp, thủy sản có nhiều đột phát và phát triển vượt bậc. Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá hiện hành) năm 2021 đạt 30.854 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với năm 1992. Sản lượng lúa hàng năm đạt trên 2 triệu tấn, tăng 2,4 lần so năm 1992. Đặc biệt, tỉnh đã chuyển dần sản xuất lúa theo hướng đặc sản, chất lượng cao mang lại giá trị thu nhập cao cho người sản xuất (trong đó có nhóm giống lúa ST nổi tiếng; giống lúa cho ra sản phẩm ST25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới). Diện tích nuôi thủy sản năm 2021 là 76.765 ha, tăng 3,88 lần so với năm 1992. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2021 là 350.642 tấn, tăng 12,87 lần so với năm 1992.
Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng đạt mức kỷ lục với 1 tỷ 280 triệu USD, tăng hơn 51 lần so với năm 1992, trong đó riêng xuất khẩu thủy sản đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Hiện các sản phẩm của tỉnh đã xuất khẩu đến khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, qua đó Sóc Trăng đã có nhiều dự án lớn đầu tư xây dựng tại địa phương. Hệ thống giao thông, giao thông nông thôn vươn tới khắp các khóm ấp, phum sóc vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, tạo diện mạo mới cho nông thôn Sóc Trăng phát triển. Toàn tỉnh hiện đã có 62/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các thị xã Ngã Năm, Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên là 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoặc đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển cả về qui mô và chất lượng. Mạng lưới y tế được củng cố và hoàn thiện. Tỉnh đã khống chế và cơ bản thanh toán được các bệnh dịch nguy hiểm, không xảy ra các dịch bệnh lớn. Đặc biệt, năm 2020 - 2021, tỉnh đã thành công trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, qua đó đã góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định đời sống và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Một thành công lớn của Sóc Trăng là xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Khi tái lập tỉnh năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 36,7%, đến năm 2000, giảm còn 18,45% (40.189 hộ) và năm 2020 chỉ còn 2,66%. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Sóc Trăng năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Chính phủ), toàn tỉnh còn 22.120 hộ nghèo, chiếm 6,64%.
Tình hình quốc phòng an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được xây dựng, củng cố và phát triển. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội được đẩy mạnh. Các lực lượn chức năng chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra các biện pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động “diễn biến hòa bình” và chống phá của thế lực thù địch, không để xảy ra điểm nóng, đột xuất, bất ngờ về an ninh trật tự.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng thường xuyên, triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả. Bộ máy chính quyền các cấp được quan tâm củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tốt. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm thực hiện.
Đồng chí có thể chia sẻ về những nguyên nhân quan trọng giúp tỉnh đạt được những thành tựu to lớn ấy?
Đầu tiên và quan trọng nhất trong suốt 30 năm qua là quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, tỉnh Sóc Trăng luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương đối với tỉnh, giúp Đảng bộ tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn.
Thứ hai, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn thể hiện quyết tâm chính trị cao, đoàn kết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, vừa xem trọng tính toàn diện, nhưng tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt, nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, tạo động lực phát triển. Tỉnh chú trọng đúng mức việc khai thác, phát huy một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ ba, tỉnh quan tâm đúng mức việc chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Sóc Trang phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; giải quyết hài hoà lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; xây dựng, củng cố đoàn kết các dân tộc, đoàn kết tôn giáo; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ tư, tỉnh kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và củng cố hệ thống chính trị với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, tỉnh luôn chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; làm tốt công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có quyết tâm, năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Những năm tiếp theo, Sóc Trăng có định hướng như thế nào để tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thưa đồng chí?
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là:
Thứ nhất, tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực quan trọng, mở ra không gian phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, tranh thủ Trung ương đầu tư hệ thống hạ tầng liên vùng, xã hội hoá đầu tư Cảng biển Trần Đề.
Thứ hai, tỉnh chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, sản xuất lúa chất lượng cao. Sóc Trăng khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển; kêu gọi đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, các dự án năng lượng, logistics…
Thứ ba,tỉnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững, phấn đấu hằng năm giảm hộ nghèo từ 2% - 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3% - 4%/năm; triển khai có hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Thứ tư, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường, điều kiện, tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Thứ năm, tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phong cách, lề lối làm việc; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Tỉnh chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đạt cao nhất, hiệu quả nhất các chủ trương, chính sách của Trung ương, các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ đã đề ra. Sóc Trăng cũng tập trung phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, Sóc Trăng dự kiến sẽ thực hiện đầu tư một số dự án lớn nhằm thúc kinh tế của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng chí có thể chia sẻ về những dự án trọng điểm này?
Thời gian tới, tỉnh dự kiến sẽ có nhiều dự án lớn được đầu tư, xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng dài hơn 56 km, đang được chuẩn bị đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, dự kiến Dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2023.
Dự án Tuyến đường bộ ven biển kết nối giao thông liên tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu dài hơn 53 km đang được đề xuất triển khai bằng nguồn vốn vay ODA.
Dự án Cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, đang được Bộ Giao thông vận tải đề xuất sử dụng nguồn vốn trong nước từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Nếu được cấp thẩm quyền chấp thuận thì công tác chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật và đấu thầu xây lắp sẽ được triển khai từ năm 2022-2023; dự kiến thời gian khởi công xây dựng vào tháng 3/2023 và hoàn thành vào năm 2026.
Dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương đối ứng. Dự án có tổng chiều dài hơn 56,6 km, với 44 cầu giao thông, 50 cống ngang đi qua thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu. Dự kiến Dự án hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài ra, tỉnh đang quy hoạch các tuyến giao thông kết nối vào Cảng biển Trần Đề, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến giao thông huyết mạch hiện hữu trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, các dự án sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công kết hợp với kêu gọi, thu hút đầu tư theo hình thức PPP như: Dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam; Dự án Đường Vành Đai II, thành phố Sóc Trăng…
Đặc biệt, Cảng biển Trần Đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; được quy hoạch tiềm năng trở thành Cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 160.000 tấn; được kêu gọi đầu tư thông qua hình thức xã hội hoá phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư. Cảng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, cảng sẽ giúp phát huy hiệu quả lợi thế đường thủy của vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua hệ thống các sông và cảng biển trong vùng, bảo đảm khả năng vận chuyển cho toàn vùng với tổng khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn.
Ngoài ra, việc xây dựng cảng biển này còn có nhiều ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Có thể nói rằng, Cảng biển Trần Đề và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ vận tải, logistics và các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển; sẽ là “sợi dây” kết nối các vùng, tạo động lực mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy!