Phát biểu tại khai mạc Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bí thư Tỉnh ủy Lê Kim Ngọc là dịp ôn lại, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng và tôn vinh những cống hiến to lớn của ông đối với cách mạng Việt Nam.
Ông Lê Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, sớm được giác ngộ các mạng, ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Tháng 8/1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng.
Trong quá trình hoạt động, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng; trong có có chức vụ Bí thư Tỉnh ủy trong thời gian dài. Hơn nửa thế kỷ qua đã có hàng trăm cuốn sách, bài báo, nhiều cuộc Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp, đóng góp của ông với cách mạng, nhất là tư duy đổi mới mang tính đột phá "Khoán hộ" trong nông nghiệp. Ông còn là một con người được coi là điển hình về việc thương dân, gần dân, luôn suy nghĩ và hành động để làm sao người dân hết nghèo khó.
Theo Giáo Sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, "khoán hộ" của Vĩnh Phúc là tín hiệu dự báo một hướng đi mới của nông nghiệp, nông thôn, tìm ra lời giải cho những vấn đề nảy sinh từ mô hình hợp tác hóa và tập thể hóa. Chủ trương này là một kết quả của một quá trình tổng kết thực tiễn, khảo nghiệm thực tế, tìm tòi, thí điểm một cách làm mới trong quản lý lao động của hợp tác xã... Khoán hộ từ Nghị quyết 68 của của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn để Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100 năm 1981, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 năm 1988, chính thức xác định hộ là một đơn vị kinh tế tự chủ.
Nhiều ý kiến trong Hội thảo đã làm rõ những dấu ấn của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc với chủ trương "khoán hộ", giá trị lịch sử "khoán hộ" trong quá trình đổi mới tư duy của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bên cạnh đó thông qua những tài liệu, tư liệu, những nhân vật từng sinh sống cùng thời đã nêu bật tư tưởng, nhân cách của một nhà lãnh đạo mà nhiều người thừa nhận rằng dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Qua những phẩm chất, nhân cách của ông cần đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng nhân cách, đạo đức, tác phong của một người lãnh đạo, một người cán bộ đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Tư tưởng đổi mới, sáng tạo của ông là tài sản quý giá để kế thừa. Kim Ngọc có một tác phong thực tiễn trở thành một tài sản quý giá. Lấy thực tiễn làm thước đo. Hãy mở rộng dân chủ hơn nữa để có nhiều Kim Ngọc hơn...
Ông Nguyễn Đức Tẩm, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho hay: Đồng chí Kim Ngọc là "cha đẻ của khoán hộ", là người đi trước thời gian và là người mở đường cho tư duy đổi mới về nông nghiệp, nông thôn, nông dân... Cống hiến lớn nhất của ông là chủ động đề xuất và chủ trì nghiên cứu, thảo luận để cho ra đời một Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc có tính đột phá đầy sáng tạo, có tác dụng thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về con người, về lao động, sáng tạo và cống hiến.
Nghị quyết có tác dụng tức thì và lâu dài về sự đổi đời cho người lao động được chủ động và tự do lao động, sản xuất, được phát huy mọi khả năng, tiềm năng, khát vọng, sáng tạo. Đó là Nghị quyết 68 ngày 10/9/1966 "về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong Hợp tác xã hiện nay" sau này người ta quen gọi là Nghị quyết 68 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Nói về Kim Ngọc là nói về một người thương dân, gần đân, luôn muốn người dân nghèo được đổi đời. Ông cũng là người ham học ở mọi nơi, mọi lúc để lĩnh hội những kiến thức mới. Ông học để có kiến thức, kinh nghiệm nhằm cống hiến tốt hơn và là người dám nói, dám làm...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là một con người của thực tiễn, gần dân, hiểu dân. Ông trăn trở người nông dân một nắng, hai sương, lao động như khổ sai trên những mảnh ruộng không thuộc sở hữu của mình, để rồi vẫn đói khổ và ông đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói. Trong nhiều năm giữ vai trò Bí thư Tỉnh ủy nhưng không khó để gặp ông ở nhiều nơi. Ông Kim Ngọc đã lặn lội khắp các cánh đồng, ông thuộc từng địa bàn, từng khu ruộng, ngọn đồi của Vĩnh Phúc.
Ông là một người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của người dân; trong khi đó thời điểm ấy có nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí phản đối. Với ông Kim Ngọc thời khó khăn, bế tắc trong sản xuất nông nghiệp ông đã chủ động tìm về với nông dân, đặt mình vào vị trí của nông dân...và kết quả là tìm được ra những lời giải cho bài toán nông nghiệp để từ đó cải thiện đời sống người nông dân tốt hơn. Qua đây, chính ông đã cho rằng nông dân phải gắn với đồng ruộng, phải thực sự làm chủ trên mảnh ruộng của mình...
Những ý kiến hay, những thông tin hay và mới, những cống hiến lớn, nhân cách, đạo đức, tác phong... về Cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc trong Hội thảo này sẽ được tổng hợp lưu giữ.