Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nghị quyết TW 4 cho thấy ý Đảng lòng dân gặp nhau

Trong hai ngày 20 và 21/3, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức quán triệt các văn kiện gồm Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết 11- NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” và 9 chương trình công tác của BCH Đảng bộ Thành phố khóa XV. Bên lề hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị (ảnh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

Nghị quyết Trung ương 4 đang được triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Xin đồng chí cho biết Hà Nội đón nhận, triển khai Nghị quyết này như thế nào?  


Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là một trong những Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; do đó tất cả các Đảng bộ đều có nghĩa vụ và trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung của Nghị quyết. Đảng bộ Hà Nội là một trong những đảng bộ lớn, gồm hơn 34 vạn đảng viên, chiếm gần 1/10 tổng số đảng viên trong cả nước. Cùng với đó lại là Đảng bộ Thủ đô cho nên việc triển khai Nghị quyết này cũng như hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết không chỉ có ý nghĩa, vai trò quan trọng đối với Đảng bộ thành phố mà còn góp phần vào cái chung rất lớn. Nếu làm chuyển biến được tình hình ở một Đảng bộ lớn thì ảnh hưởng, tác động đối với cái chung rất lớn. Chính từ nhận thức và tầm quan trọng như vậy nên ngay từ việc làm đầu tiên là tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng chủ trương làm mở rộng để cho các cấp, các ngành có điều kiện được nghe thấu đáo, đầy đủ tinh thần Nghị quyết; nhất là thấy được trách nhiệm của bản thân mình, của đơn vị mình khi triển khai thực hiện. Tôi thấy chưa có lần nào mà ý Đảng lòng dân lại gặp nhau thể hiện rõ như lần này. Đấy cũng là một thuận lợi lớn, là một sự thôi thúc rất tích cực cho Đảng bộ Hà Nội triển khai từng việc. 
  
´Điểm mới ở Nghị quyết 4 chính là việc xây dựng tiêu chí để thực hiện công tác đánh giá,  sàng lọc đảng viên thiết thực, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đối với cán bộ đảng viên lãnh đạo. Theo đồng chí, làm thế nào để triển khai công tác này một cách hiệu quả nhất?
  
Có rất nhiều điểm mới ở Nghị quyết này nhưng tôi chỉ xin nhấn mạnh một điểm: Đó là việc hằng năm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh cán bộ bầu cử trong Đảng, bầu cử trong chính quyền bộ máy nhà nước. Trước kia 5 năm một lần tiến hành nhiệm kỳ bầu lại, nay hằng năm lấy phiếu tín nhiệm; nếu ai không đáp ứng yêu cầu công việc, nhiều lắm sau 2 năm là thay. Trước kia chưa có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm thì việc đánh giá cũng khó. Người này thì nói tốt, người kia lại nói không tốt. Khi lấy phiếu tín nhiệm, rõ ràng nhiều người đánh giá một người sẽ khách quan hơn. Dù ai đó muốn né tránh không muốn bị đánh giá hoặc không tham gia quá trình đánh giá ấy thì lần này mình được đánh giá về người khác và người khác đánh giá về mình. Đấy là một trong những điểm rất mới mà không phải cứ chờ sau 5 năm nhiệm kỳ bầu mới thay mà nhiều lắm sau 2 năm, thậm chí 1 năm tín nhiệm quá thấp, năng lực không làm được việc, ngay một lần lấy phiếu tín nhiệm cũng có thể thay.    

Vậy đồng chí Bí thư Thành ủy có sẵn sàng lấy phiếu tín nhiệm?   

Đương nhiên tôi phải thực hiện và tôi sẵn sàng đánh giá và được đánh giá.   

Ngoài việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm như Nghị quyết đã đề ra, Hà Nội có sáng kiến gì trong việc tổ chức thực hiện, thưa đồng chí?   

Trong kế hoạch triển khai của Trung ương đã nói về việc đó rất rõ, những đối tượng nào, đánh giá ai. Với tinh thần như vậy, Hà Nội sẽ mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia đánh giá, tức là nhiều người tham gia vào việc đó.    

Đồng chí có hy vọng sau thực hiện lấy phiếu tín nhiệm sẽ có đội ngũ cán bộ “sạch”?  
    

Chúng ta cần khắc phục hai khuynh hướng suy nghĩ không đúng: Một là thiếu tin tưởng, chưa thực hiện Nghị quyết đã nghĩ chắc chẳng làm được đâu, có làm cũng không được; nhưng cũng tránh khuynh hướng thứ hai cho rằng đây là việc chỉ làm một lần là xong. Xây dựng Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài. Cứ mỗi lần làm lại xuất hiện vấn đề khác thì mình lại tiếp tục sửa. Cụ thể như trước kia, sau mỗi nhiệm kỳ 5 năm đánh giá cán bộ một lần; có thể 3 năm đầu, người cán bộ thờ ơ, chủ quan, đến năm cuối cùng mới bắt đầu hoặc cố gắng hoặc là tranh thủ đi vận động để có phiếu. Giờ mỗi năm đánh giá một lần, không lẽ ông cứ đi chạy suốt, né tránh suốt à. Chỉ việc đó thôi cũng sẽ có tác dụng rất tích cực đối với việc đánh giá, bố trí cán bộ so với trước đây.   

Theo kế hoạch, Ban Thường vụ sẽ là tập thể kiểm điểm đầu tiên. Vậy Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị nội dung kiểm điểm thế nào để đạt hiệu quả, thưa đồng chí?
   
Kế hoạch của Trung ương đã chỉ rõ từng địa phương sẽ có những việc làm cụ thể trong từng thời gian. Với tinh thần như vậy, ít nhất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ thực hiện theo đúng kế hoạch của Trung ương; nhưng chủ trương của Đảng bộ thành phố Hà Nội bao giờ cũng mong muốn cố gắng làm được tốt hơn. Ví dụ như quy định lấy ý kiến đánh giá chỉ tới Ban Thường vụ của cấp dưới góp ý cho thường vụ cấp trên, nhưng Hà Nội có thể mở rộng đối tượng góp ý để nghe được nhiều hơn. Hoặc lấy ý kiến nhân dân, chẳng hạn thông qua mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ; như vậy thì không chỉ nghe trong Ban Thường vụ mà sẽ mở rộng thêm đối tượng của đoàn, của hội để được nghe đánh giá nhiều hơn. Trước hết, Hà Nội thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Trung ương; sau đó nếu có vận dụng thì sẽ vận dụng theo hướng tích cực, công khai, dân chủ hơn.   

 Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!   

Thanh Bình (thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN