Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.744 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 266; cách ly tập trung tại cơ sở khác 7.726 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 6.752 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 6 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca. Tính đến thời điểm này Việt Nam đã có 267 ca bệnh/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 82% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta.
57 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị nhiều nhất với 25 ca; Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu là 17 ca; Bệnh viện đa khoa Thái Bình là 6 ca...
Xuất hiện tâm lý “coi như hết dịch”
Tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, các chuyên gia y tế cho rằng, điều đáng mừng là sau hơn 1 tháng Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng và đã dập tắt các ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn. Người dân đã có tâm lý “coi như hết dịch”, thậm chí Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương đã xuất hiện tâm lý chủ quan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho rằng, mặc dù những ngày qua, rất nhiều tổ chức quốc tế chúc mừng Việt Nam chiến thắng dịch COVID-19 nhưng chúng ta vẫn chưa chiến thắng, mà mới kiểm soát tốt dịch bệnh. Cuộc chiến này còn rất dài và Việt Nam vẫn đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. Thậm chí giai đoạn này còn có phần khó hơn, bởi sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nên người dân có tâm lý buông lỏng.
Vì vậy, phải tuyệt đối không được có tâm lý xả hơi. Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới còn hết sức phức tạp, khó lường. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.
Thực tế, những ngày gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh từ nước ngoài về. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, do chúng ta tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước sang Việt Nam làm việc tại các dự án… Chính vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.
Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, “bao đê cho chặt”, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở, bởi đê bao thường không vỡ ở những “cửa khẩu to”, mà lại ở những “điểm rò rỉ”, “tổ mối”. Ở trong nước phải thực hiện nghiêm công tác cách ly, tiếp tục tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với những nhóm đối tượng, khu vực có nguy cơ...
Trước nhu cầu nhập cảnh rất lớn đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án của Việt Nam cũng như những nhà đầu tư vào tìm kiếm cơ hội làm ăn, Ban Chỉ đạo cho rằng cần có hướng dẫn chi tiết theo quy trình khép kín từ xem xét cấp thị thực nhập cảnh cho đến việc chuẩn bị cơ sở cách ly và các điều kiện theo dõi sức khoẻ sau khi cách ly đối với những đối tượng này.
Ngành công an là cơ quan có ý kiến quyết định đối với việc xét cấp thị thực nhập cảnh cũng như là đầu mối tổ chức các cơ sở cách ly ngoài các khu cách ly tập trung của quân đội. Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài phải có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở đó, UBND địa phương căn cứ vào tình hình, tập hợp danh sách và có văn bản gửi Bộ Công an để làm thủ tục duyệt cấp thị thực nhập cảnh và phối hợp với lực lượng công an để chuẩn bị các cơ sở cách ly. Tất cả những đối tượng này đều phải cách ly tối thiểu 14 ngày. Đáng chú ý, các chuyên gia đã nêu nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ thành viên tổ bay, phi hành đoàn của các hãng hàng không ở nước ngoài, vốn vẫn sinh hoạt bình thường, không phải cách ly trước khi thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam.
Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương phải siết chặt các quy định về cách ly phi hành đoàn, tổ bay các chuyến bay chở khách cũng như vận tải hàng hoá quốc tế đến Việt Nam. Những phi hành đoàn này phải ở khách sạn riêng, không được ở chung những khách sạn có các đối tượng khách lưu trú khác để tránh nguy cơ, rủi ro lây nhiễm.
Trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp thị thực và cách ly đối với: Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước; các tổ bay, phi hành đoàn, thuỷ thủ đoàn và những người lái xe qua lại biên giới. Các văn bản này phải quy định rất cụ thể trách nhiệm của Ban Chỉ đạo địa phương, trách nhiệm của các cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm của từng đơn vị, từng lực lượng để tổ chức thực hiện quản lý người nhập cảnh thống nhất, hiệu quả.
Chuyển bệnh nhân người Anh từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh về Bệnh viện Chợ Rẫy
Chiều 22/5, bệnh nhân 91 (43 tuổi, phi công người Anh) được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh về Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị, kết thúc 65 ngày giành giật sự sống với COVID-19. Suốt 65 ngày dồn mọi tâm lực, trí lực và vật lực để duy trì sự sống của bệnh nhân 91 đã chứng minh cho khả năng, vị thế của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, ngày 18/3, bệnh nhân 91 được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong trạng thái sức khỏe bình thường. Nam bệnh nhân này là phi công, quốc tịch Anh, bị nhiễm bệnh do đến quán bar Buddha ở Quận 2 - nơi khởi phát ổ dịch COVID-19 lớn nhất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ trước đến nay.
Trong những ngày đầu, bệnh nhân sức khỏe tốt, vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường như nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 khác. Tuy nhiên bệnh nhân từ chối không sử dụng suất ăn bệnh viện cung cấp do đồ ăn Việt Nam có nhiều gia vị, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phải tìm đủ mọi cách như giảm bớt gia vị, đặt đồ ăn bên ngoài nhưng bệnh nhân này vẫn không chịu ăn, kể cả uống sữa.
“Bệnh nhân 91 có thể trạng béo phì, đây là một trong những nguy cơ cao khi mắc COVID-19. Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của người này đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể, gọi là “cơn bão” cytokine, đặc biệt chất này tấn công mạnh vào phổi gây tổn thương phổi rất nặng nề”, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.
Không chỉ gặp hội chứng “cơn bão” cytokine, bệnh nhân 91 còn bị rối loạn đông máu, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT (giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO). Theo bác sỹ Phong, ở thời điểm lúc bấy giờ, các phác đồ điều trị COVID-19 trên thế giới cũng chưa thống nhất, do đó quá trình điều trị cho bệnh nhân này gặp muôn vàn khó khăn khi đội ngũ y bác sỹ phải vừa điều trị, vừa mày mò tìm tòi các phương án tiếp theo.
Sau 65 ngày điều trị với 46 ngày chạy ECMO, bệnh nhân 91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị trong tình trạng ổn định. Đặc biệt dù có giai đoạn phổi bệnh nhân đông đặc nặng dần, như kết quả lần chụp CT ngày 12/5 cho thấy tình trạng xơ hóa đông đặc toàn bộ hai phổi, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong nếu rời ECMO.
Trong 10 ngày tiếp theo, tình trạng sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần. Đến ngày 21/5, trước khi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 có các dấu hiệu sinh tồn ổn định, tình hình khả quan với 30% phổi được hồi phục, các thông số hô hấp đang cải thiện tốt. Kết quả siêu âm tim cho thấy tim co bóp đồng bộ, tràn dịch màng tim lượng ít. Phổi trái tràn dịch ít, không tràn khí; còn phổi phải tràn dịch ít, tràn khí khu trú vùng cạnh ức. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân âm tính lần thứ 6 liên tiếp với virus SARS-CoV-2.
“Khi chúng tôi chuyển bệnh nhân 91 qua Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi đảm bảo bệnh nhân đã không còn virus SARS-CoV-2, nghĩa là bệnh nhân này đã hoàn toàn khỏi bệnh”, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Với việc bệnh nhân liên tục âm tính với virus SARS-CoV-2, duy trì được sự sống, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong nhận định đây là thành công bước đầu của ngành y tế Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19.
“Giữ được mạng sống cho bệnh nhân 91 đến được thời điểm này là một kỳ tích bởi trước nay chưa từng có bệnh nhân nào thở máy trên 10 ngày có thể sống sót. Đáng mừng hơn, phổi của bệnh nhân đã hồi phục được khoảng 30%. Đây cũng là lần đầu tiên tất cả các kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu tại Việt Nam đều được áp dụng trên một bệnh nhân. Chúng ta đã làm đủ mọi cách để giữ được mạng sống cho bệnh nhân này”, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong nói.
Từ thành công bước đầu của việc điều trị cho ca bệnh 91, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong cho rằng ông và các cộng sự đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, ứng dụng nhiều phác đồ điều trị, sử dụng nhiều loại thuốc, thiết bị chưa từng biết đến trước đó. Và chắc chắn đây là kinh nghiệm quý báu để các bác sỹ áp dụng điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 khác.
Ngay sau khi bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm, các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện đã hội chẩn để tìm phương án điều trị phù hợp. Bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ huy động toàn lực để cứu chữa cho bệnh nhân 91 đến khi bệnh nhân có đầy đủ các yếu tố thuận lợi về sức khỏe thì sẽ tiến hành ghép phổi theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID -19.
Dẫu mới chỉ đi được nửa chặng đường đưa bệnh nhân 91 từ cõi chết trở về, trong khi đoạn đường phía trước chắc chắn vẫn còn rất gian nan, nhưng bằng tâm huyết, trí tuệ của mình, các bác sỹ Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục dồn tâm trí để cứu sống bệnh nhân đặc biệt này.