Video Đại biểu Trần Hồng Nguyên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chia sẻ:
Trong phần chất vấn tại Nghị trường Quốc hội, tôi đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá tính hình nợ xấu ở nước ta hiện nay và những giải pháp để giải quyết vấn đề này. Tôi cũng đặt ra kịch bản nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cụ thể nào?
Qua phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho thấy sự thẳng thắn và có cơ sở. Đối với kịch bản không giảm nợ xấu, Thống đốc cũng nêu ra giả thiết và tôi thấy có cơ sở và phù hợp.
Tôi cũng mong những giải pháp mà Chính phủ đề ra giảm nợ xấu có tác động tích cực, tránh trường hợp để nợ xấu tăng cao.
Các ngân hàng đang gặp khó khăn, đặc biệt sau bão số 3 vừa qua, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Quảng Ninh là ví dụ như vậy, doanh nghiệp, người dân bị mất hết tài sản. Tài sản mất, thế chấp rất khó khăn. Bởi doanh nghiệp muốn tiếp tục sản xuất phải vay tiền. Trong khi các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, muốn cho vay phải có điều kiện. Doanh nghiệp cũng phải huy động tiền trong dân, điều kiện cho vay là phải thu về được. Có thể, doanh nghiệp chấp nhận chưa có lãi nhưng phải thu lại được những gì đã bỏ ra.
Trong bối cảnh khó khăn chung, đối với tổ chức tín dụng nói riêng và vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế, Thống đốc đã đưa ra giải pháp phù hợp.
Video Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH Tây Ninh chia sẻ:
Hầu như 1/3 ý kiến sáng nay liên quan đến thị trường vàng. Phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng không đi vào những chính sách chung chung mà đã làm rõ những vấn đề mà báo chí, cử tri đặt ra nhưng chưa được làm rõ trong thời gian qua.
Đã có rất nhiều câu hỏi “Vì sao”, “Tại sao” của cử tri, đại biểu đặt ra. Điều đó cho thấy sự chưa minh bạch trong chính sách. Phần trả lời sáng nay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đi thẳng vào vấn đề liên quan đến vàng. Kể cả những người không am hiểu về lĩnh vực ngân hàng, kinh tế cũng hiểu rõ hơn về sự vận hành của thị trường vàng. Điều đó cũng chứng tỏ phần trả lời của Thống đốc rất rõ.
Phần đặt câu hỏi của các đại biểu sát thực tế, như “Thị trường vàng bán ra nhưng không mua vào được”. Hay có những vấn đề tôi vẫn còn băn khoăn như, giá vàng miếng thời gian qua tăng cao, có nhu cầu lớn. Vấn đề của ngân hàng là đáp ứng nhu cầu đó bằng cách cung ứng ra thị trường nhiều hơn, góp phần ổn định, hạn chế tăng giá thị trường vàng trong nước so với thế giới.
Phần giải thích của Thống đốc đã đưa ra nhiều yếu tố, trong đó có nội dung liên quan điều hành chính sách. Chúng ta không phải là quốc gia sản xuất vàng mà là nhập khẩu vàng. Như vậy, chúng ta không có sự chủ động. Điều đó cho thấy sự điều hành với thị trường vàng của ngân hàng là thách thức và khó khăn.
Nỗ lực ngân hàng cần được ghi nhận. Bởi thị trường vàng hiện tại khác với bối cảnh 10 năm, 20 năm trước. Bối cảnh quốc tế biến động hàng ngày, hàng giờ. Thách thức của ngân hàng đòi hỏi sự nỗ lực, sáng suốt điều hành chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng đòi hỏi người đứng đầu như Thống đốc.
Trong các nhóm vấn đề đặt ra, tôi quan tâm đến chính sách cho vay lãi suất sau thiên tai, dịch bệnh. Sau đại dịch COVID-19, Nhà nước đã ban hành chính sách tiền tệ cho doanh nghiệp, người dân vay để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, qua các kỳ họp đánh giá cho thấy còn nhiều hạn chế, đặc biệt doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn khó khăn, do các điều kiện thủ tục đặt ra còn nhiều.
Vừa qua, người dân ảnh hưởng rất lớn bởi cơn bão số 3, lại đúng dịp gần cuối năm, dịp Tết sắp tới, đầu tư của doanh nghiệp, người dân mất trắng. Ngân hàng đã có chính sách hỗ trợ vốn vay để người dân doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi. Mục tiêu này rất nhân văn nhưng cần phải cải cách thủ tục để người dân doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay này dễ dàng hơn. Đó là bài toán đặt ra hết sức tinh gọn để giải ngân nhanh nguồn vốn này.