Theo cử tri, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã đi vào trọng tâm các vấn đề đang được người dân cả nước quan tâm; đặc biệt là đề xuất có trung tâm nghiên cứu công nghệ phục vụ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ, không khí phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 7/6 rất sôi nổi, có tới 120 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, lập kỷ lục về số lượng đại biểu đăng ký chất vấn một bộ trưởng. Các câu hỏi được đại biểu nêu ra rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc, dễ nghe, dễ hiểu. Điều này cho thấy các đại biểu đã có sự đầu tư nghiên cứu đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Nhận xét chủ tọa đã điều hành tốt các phiên chất vấn, đảm bảo thời gian hỏi của đại biểu và trả lời của các Bộ trưởng; các đại biểu đã có sự chuẩn bị kỹ càng vấn đề chất vấn, những nội dung hỏi đã đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của cử tri, ông Võ Tấn Dũng cho rằng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Đảng, Nhà nước nên quan tâm đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ.
Mỗi trung tâm này sẽ nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ phục vụ cho từng vùng kinh tế cụ thể chứ không nên làm chung chung. Ví dụ các trung tâm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu các vấn đề phục vụ cho phát triển công nghiệp, đô thị; ở Đà Nẵng nghiên cứu phục vụ phát triển vùng trung du miền núi; ở Cần Thơ sẽ nghiên cứu các công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, thủy sản, vốn là thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cử tri Phạm Ngọc Hùng (quận Ninh Kiều, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang) đánh giá tại kỳ họp Quốc hội lần này có nhiều điểm tích cực, đáng hoan nghênh. Sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của đại biểu, phần trả lời của các bộ trưởng cũng như giải trình của các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ đối với từng nhóm vấn đề, đi đúng vào trọng tâm, khoa học.
“Quốc hội đã phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực, đưa các vấn đề nóng đang được người dân cả nước quan tâm ra thảo luận trước diễn đàn. Phần trả lời của các bộ trưởng, Phó Thủ tướng đã chỉ ra được những điểm trọng tâm cần tháo gỡ trong thời gian tới”, cử tri Phạm Ngọc Hùng nhận xét.
Đóng góp ý kiến đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, ông Phạm Ngọc Hùng cho biết, trong chiến tranh, Đảng, Nhà nước có chủ trương chia cả nước thành 3 vùng chiến lược để tập trung cho mục tiêu thống nhất đất nước. Liên hệ đến việc phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới, ông Hùng cho rằng cũng cần phân chia thành từng vùng cụ thể. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ được xem là trung tâm vùng thì nên có một trung tâm nghiên cứu các công nghệ phục vụ cho phát triển vùng.
Ông Phạm Ngọc Hùng bày tỏ đồng tình với phần giải trình của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Phó Thủ tướng đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vì chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Hùng cho rằng, hiện nay để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, có quá nhiều hướng dẫn, quy định khiến việc thực hiện còn chậm. Quốc hội, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể, rõ ràng để tháo gỡ, nếu không vấn đề này sẽ tiếp tục gặp vướng mắc trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, có quá nhiều văn bản, quy định chồng chéo nhau từ Trung ương đến địa phương khiến việc triển khai thực hiện ở cơ sở gặp nhiều khó khăn. Chủ trương đưa ra đã đúng, nhiều vấn đề được giải trình rõ nhưng khi đưa vào thực hiện thì còn vướng nhiều chỗ. Phải làm sao để khi chủ trương của Đảng được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, cụ thể hóa ở Chính phủ thì phải thống nhất thực hiện từ trên xuống dưới để phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn.
Cử tri Nguyễn Trần Hiếu (nguyên Chính ủy Trường Quân sự thành phố Cần Thơ) nhận xét: mỗi kỳ họp Quốc hội là mỗi lần đổi mới. Các đại biểu, bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham gia chất vấn và trả lời chất vấn đều có sự chuẩn bị kỹ càng, đảm bảo thời gian cũng như chất lượng vấn đề được nêu ra. Đặc biệt, phần phát biểu kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc đã tóm tắt lại các nội dung một cách đầy đủ, súc tích, những việc làm được cũng như những tồn đọng, hạn chế cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Theo dõi phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ông Nguyễn Trần Hiếu đánh giá Bộ trưởng đã cơ bản trả lời được những câu hỏi mà đại biểu nêu ra, dù còn một vài vấn đề chưa thật sự thỏa mãn. Bày tỏ quan tâm đến năng lực hấp thụ và phát triển công nghệ, đặc biệt là những công nghệ được chuyển giao của nước ngoài, cử tri này cho rằng công nghệ đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ, ai làm chủ được công nghệ mới sẽ có điều kiện phát triển nhanh hơn, do đó năng lực hấp thụ công nghệ là vô cùng quan trọng.
“Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển khoa học và công nghệ, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ có vai trò trọng tâm, cử tri chúng tôi hy vọng thời gian tới chúng ta sẽ nghiên cứu, chuyển giao được nhiều thành tựu công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực để Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ công nghệ, giúp đất nước ngày càng phát triển”, cử tri Nguyễn Trần Hiếu chia sẻ.