Ngày 16/4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ triệu tập, chủ trì tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương. Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đã chia sẻ một số thông tin, đánh giá về tiến độ thực hiện kế hoạch tổ chức và phục vụ công tác bầu cử cũng như việc triển khai các nội dung công việc liên quan đến bầu cử trong thời gian tới.
Thưa ông, qua kiểm tra, giám sát đợt 1 tại 16 tỉnh, thành phố, các Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ghi nhận những vấn đề gì còn bất cập cần giải quyết trong thời gian tới?
Chương trình giám sát đợt 1 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Việt Nam cũng như các nội dung về bầu cử cơ bản đã được thực hiện theo tiến độ, đúng quy trình, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua giám sát đã kịp thời phát hiện một số vướng mắc và cũng đã kiến nghị với từng cấp tổ chức phụ trách bầu cử để khắc phục ngay. Ngoài ra có những nội dung được rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn trong các bước tiếp theo, cũng là phục vụ cho công tác tổng kết, xây dựng chính sách, xây dựng các quy định hướng dẫn về bầu cử ngày càng hoàn thiện, qua đó phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Theo tôi một trong những giải pháp là cần tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến cử tri mở rộng hơn.
Liên quan đến việc giám sát về việc thực hiện quy định "người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử" theo Điều 27 của Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân, qua quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy, nhìn chung các cấp đã thực hiện tốt, tuy nhiên vẫn còn độ "trùng" nhất định, tức là nhiều người ứng cử ở địa phương đều phải có trách nhiệm chỉ đạo công tác bầu cử, mà chỉ đạo về đơn vị địa phương mình thì sẽ có những điểm không phù hợp, đây cũng là điều rất cần phải xem xét.
Thông qua việc giám sát, nhiều thông tin, ý kiến đã được tổng hợp để giúp Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai và đặc biệt là Hội nghị hiệp thương lần thứ ba có thêm các thông tin, căn cứ. Ý kiến đối với danh sách sơ bộ những người ứng cử được lập qua các vòng hiệp thương được xem xét kỹ, đồng thời cũng chính là giúp các cơ quan có thẩm quyền và Ủy ban bầu cử các cấp có sự thẩm tra kỹ lưỡng, để đến Hội nghị hiệp thương lần ba có thể lựa chọn được những người có đủ tiêu chuẩn giới thiệu và bầu cử.
Đến giờ phút này, mọi công tác chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở cấp Trung ương đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện như thế nào, thưa ông?
Để tạo cơ sở cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai đã được chúng tôi tổ chức tốt các bước. Đánh giá chung đến thời điểm này thì cơ bản công tác chuẩn bị đã được tiến hành chu đáo. Đã có những người nằm trong danh sách sơ bộ không đạt tiêu chuẩn trên 50%, không đủ tín nhiệm ở Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và cử tri nơi công tác. Các cơ quan đã xem xét lại một số ứng viên sau khi có ý kiến phản ánh, cũng có người thấy mình không đủ khả năng nên tự xin rút. Số dư hiện tại rất bảo đảm. Như vậy, kết quả thực hiện bước hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai đã phản ánh rất rõ tinh thần dân chủ trong việc giới thiệu người ứng cử và kể cả đối với người tự ứng cử. Đối với những người không đạt được sự tín nhiệm, chúng ta phải tôn trọng ý kiến của cử tri.
Để tổ chức tốt Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, chúng tôi thấy hiện nay các cấp đang rất tích cực chuẩn bị, tổng hợp báo cáo đánh giá các hội nghị lấy ý kiến nơi cư trú, làm căn cứ rõ ràng đưa ra Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để bàn bạc dân chủ, từ đó lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn được giới thiệu hiệp thương bầu cử.
Tôi cho rằng quá trình triển khai công tác chuẩn bị sẽ phải tổ chức tốt việc rà soát danh sách, rà soát ý kiến phản ánh từ các cơ quan thông tin, ý kiến của các người dân, ý kiến của các tổ chức đoàn thể đối với các ứng cử viên, soi chiếu với tiêu chuẩn của người đại biểu, làm rõ những nội dung cần thiết. Để tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tất cả những nội dung này đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để hội nghị được diễn ra công khai, dân chủ. Đối với những nội dung còn ý kiến hỏi hoặc thắc mắc, phải giải quyết kịp thời. Những nội dung liên quan đến người ứng cử mà có đơn tố cáo phải giải quyết theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Báo cáo về công tác giám sát đợt 1 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia cần có ngay những kịch bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về bầu cử trong điều kiện nếu có bùng phát dịch COVID-19. Theo ông, trong thời gian tới vấn đề này cần được đảm bảo như thế nào?
Chúng tôi thấy cần dự kiến rõ ràng những phương án ứng phó khi có dịch hoặc khi có tình huống bất ngờ để hướng dẫn các địa phương, ví dụ như ở những khu cách ly thì phải tổ chức như thế nào, hay việc sử dụng hòm phiếu lưu động ra sao... để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình tại các khu cách ly. Hoặc nội dung liên quan đến việc lập danh sách cử tri, đặc biệt là đối với những người đi làm ăn xa, những người ở khu công nghiệp... cũng cần được lưu tâm. Do đó, cần phải có những hướng dẫn rất cụ thể.
Trong giám sát đợt hai, chúng tôi sẽ đi rất sâu vào một số nội dung. Danh sách người ứng cử, danh sách cử tri sẽ được niêm yết công khai để mọi người đều nắm được. Những nội dung này phải được triển khai rất tích cực, cụ thể để bảo đảm được quyền và nghĩa vụ của công dân.
Ông có thể chia sẻ những vấn đề Mặt trận sẽ tập trung vào kiểm tra, giám sát tại 18 tỉnh, thành phố trong đợt 2 từ nay đến ngày bầu cử?
Từ nay đến ngày bầu cử, công việc đầu tiên là Hội nghị hiệp thương lần thứ ba cần được tổ chức bảo đảm thành công để giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn vào các đơn vị bầu cử. Thứ hai là việc tổ chức cho những người ứng cử được đi tiếp xúc cử tri phải được tiến hành rộng rãi và sâu hơn, tránh tiếp xúc hình thức. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri thì phương thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là kênh rất quan trọng, tạo điều kiện cho các ứng cử viên và tạo công bằng giữa các ứng cử viên.
Một nội dung nữa là các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lực lượng công an và các đơn vị liên quan phải phối hợp bảo đảm thực hiện Luật An ninh mạng, bởi có thể sẽ có thông tin sai lệch về những người ứng cử bị đưa lên mạng, ảnh hưởng không công bằng đến người ứng cử.
Đồng thời, công tác tập huấn cho tổ bầu cử cần phải làm rất kỹ để tất cả công việc của tổ bầu cử đều được thực hiện đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia bầu cử.
Thưa ông, với vai trò của mình, Mặt trận kêu gọi người dân như thế nào trong việc tham gia bầu cử?
Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, thể hiện quyền rất cơ bản của công dân - quyền tham gia xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đây cũng là dịp để người dân thể hiện tinh thần yêu nước, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Tôi cho rằng cần thông tin tuyên truyền sâu rộng để mỗi người dân thấy được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong tham gia bầu cử, từ đó người dân tích cực tham gia vào ngày bầu cử 23/5 tới, để ngày này trở thành ngày hội toàn dân.
Trên cơ sở giới thiệu của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp, với trách nhiệm của mình, mỗi cử tri cần cân nhắc rất kỹ, tìm hiểu rõ quá trình công tác của các ứng viên cũng như phẩm chất đạo đức của họ để sáng suốt lựa chọn ra những người xứng đáng nhất vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Từ trách nhiệm trong việc lựa chọn của cử tri, những người được lựa chọn sẽ càng có trách nhiệm với với cử tri, với nhân dân để làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu, có mối liên hệ gắn bó với cử tri, mang tiếng nói đại diện cho ý chí, trí tuệ, nguyện vọng của cử tri để xây dựng đất nước cường thịnh trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!