Sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội và bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Các đại biểu Quốc hội nghe công bố kết quả kiểm phiếu và thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội đối với ông Trần Thanh Mẫn, ông Nguyễn Đức Hải, ông Nguyễn Khắc Định.
Kết quả biểu quyết có: 455/456 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, bằng 94,79% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, làm Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021.
Các đại biểu đánh giá, Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) trình Quốc hội cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, việc thực hiện Kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Giải trình về một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán Nhà nước xử lý tài chính được 353.000 tỷ, gấp 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tích cực kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kết quả kiểm toán.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 có 18 đại biểu hoạt động chuyên trách trên tổng số 105 đại biểu. Nhiệm kỳ 2021-2026 tới đây, thành phố Hà Nội đề nghị bố trí 19 đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó 3 đại biểu là lãnh đạo HĐND thành phố (gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch), mỗi ban của HĐND thành phố bố trí 4 đại biểu (gồm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách).
Lý do là thành phố Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận và thị xã nên nhiều nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố. Tuy vậy, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì HĐND cấp tỉnh được bố trí tối đa 10 đại biểu hoạt động chuyên trách, luật không có quy định về ủy viên hoạt động chuyên trách tại các ban của HĐND cấp tỉnh.
Đối với HĐND quận, huyện, thị xã và HĐND xã, thị trấn, thành phố Hà Nội kiến nghị thực hiện việc bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, tại mỗi quận, huyện, thị xã có từ 5-6 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (gồm: Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng, Phó Trưởng các ban của HĐND cấp huyện là đại biểu hoạt động chuyên trách).
Chính phủ thống nhất với đề nghị của thành phố Hà Nội về việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 như trên.
Đưa ra quan điểm của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trong bối cảnh thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội thì việc Chính phủ đề nghị bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội là có cơ sở thực tiễn, phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền ở cấp thành phố.