Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trận Giồng Bốm là một trong những trận đánh lớn ở Tây Nam Bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt đây là trận đánh của Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo.
Với tôn chỉ, mục tích cao cả: “Hành đạo là kháng chiến, kháng chiến là hành đạo”, “ Cứu nước là cứu Đạo”, “bàn thờ tôn giáo thì nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một"…, Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo dưới sự chỉ huy của cụ Cao Triều Phát (Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Bạc Liêu, đại biểu Quốc hội khóa I, Quyền chưởng quản Hiệp Thiên Đài - Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo, Tổng trưởng thanh niên đoàn đạo Hậu Giang) đã tập hợp, đoàn kết triển khai trên 2.000 quần chúng, tín đồ lấy Tòa thánh Ngọc Minh làm đại bản doanh để tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đại tá, Tiến sỹ Lê Thanh Bài, Trưởng Phòng Lịch sử Quân sự, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, mặc dù không phải là những nhà quân sự và chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng trận Giồng Bốm đã được tổ chức một các khá bài bản, với cơ cấu tổ chức lực lượng trực tiếp chiến đấu gồm 18 trung đội. Ngoài ra, trận đấu còn có lực lượng tiếp tế, hậu cần, đào công sự phục vụ chiến đấu…
Hội thảo lần này, thu hút 23 bài phát biểu tham luận phân tích sâu sắc liên quan đến sự kiện Giồng Bốm năm 1946 dưới góc nhìn quân sự, giáo dục truyền thống và phát huy giá trị di tích (trên địa bàn thị xã Giá Rai hiện nay) phục vụ phát triển du lịch lịch sử.
Hội thảo đã nêu bật vai trò của Toàn phái Cao Đài Minh Chơn Đạo với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; sự kiện lịch sử Trận Giồng Bốm - vai trò của cụ Cao Triều Phát và phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới; sự tác động của Trận Giồng Bốm với phong trào cách mạng tỉnh Bạc Liêu trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp; di tích Trận Giồng Bốm - Một điểm đến có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…
Bên cạnh đó, hội thảo còn làm rõ diễn biến, tính chất, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị lịch sử trận Giồng Bốm năm 1946 trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Đảng bộ, nhân dân Bạc Liêu nói riêng và đồng bào Nam Bộ nói chung; đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cho các ngành chức năng trong công tác bảo tồn, giáo dục truyền thống, phát huy giá trị lịch sử của trận Giồng Bốm năm 1946 gắn với phát triển du lịch ở địa phương.
Các đại biểu đã mang đến nhiều thông tin khá phong phú, đa dạng, nhiều tư liệu, lịch sử quy báu, đánh giá, phân tích về sự kiện Giồng Bốm 1946, qua đó có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, khách quan, khoa học về quy mô, tính chất, ý nghĩa, giá trị lịch sử của trận Giồng Bốm.
Sự kiện lịch sử Giồng Bốm 1946 đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc ta nói chung, lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu nói riêng như những trang sử vẻ vang và hào hùng nhất. Với quy mô, tính chất, ý nghĩa và giá trị lịch sử, năm 2011, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định xếp hạng Di tích Trận Giồng Bốm là Di tích lịch sử cấp tỉnh và đang đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét, xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.