Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại Long An để khảo sát phục vụ tổng kết Nghị quyết số 21

Ngày 22/11, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã đến Long An khảo sát, phục vụ tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/1/2003 và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được phát biểu tại buổi làm việc. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An cho biết, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Kết luận 28-KL/TW của Bộ Chính trị, kinh tế của tỉnh phát triển khá, tăng trưởng kinh tế đạt cao. Tổng sản phẩm GRDP năm 2020 của tỉnh đạt 131.906 tỷ đồng, tăng 124.726 tỷ đồng so với năm 2002. Quy mô nền kinh tế của Long An đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 13% trên tổng quy mô của vùng và khoảng 2,1% trên tổng quy mô cả nước; cao hơn mức bình quân của cả nước là 32.015 tỷ đồng. Đầu tư, xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn hiện đại hơn, văn minh hơn.

Công nghiệp, xây dựng tăng trưởng khá cao. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và là động lực tăng trưởng của tỉnh, quy mô sản suất công nghiệp đứng đầu vùng. Thu hút đầu tư tăng khá, là tỉnh đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư được nâng cao. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước… cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Tuy nhiên, Long An vẫn còn tồn tại một số hạn chế như ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán nên khó kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao; chưa kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp lớn. Thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng; số dự án đã tiếp nhận chủ yếu là nhỏ và vừa, trình độ công nghệ trung bình là phổ biến. Hạ tầng thương mại dịch vụ phát triển chưa đồng bộ; hoạt động xuất khẩu thiếu ổn định. Thương mại biên giới chậm phát triển; khu kinh tế cửa khẩu chậm triển khai, chưa thu hút được các trung tâm logistics và đầy đủ các dịch vụ tại cảng phục vụ xuất nhập khẩu…

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được kiến nghị Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường vai trò của các địa phương trong hội đồng điều phối vùng; thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế vào việc thực hiện các hoạt động liên kết, xây dựng quy chế liên kết vùng. Các cơ quan chức năng nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức, cộng đồng, người dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, phát triển các cụm ngành kinh tế nông nghiệp của vùng. Bên cạnh đó là việc nghiên cứu ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo, có giải pháp căn cơ, bền vững phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu nguồn nhân lực chung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao tỉnh Long An có tầm nhìn chiến lược và phát triển liên kết vùng. Ông đề nghị Long An bổ sung thêm những đề xuất về an ninh quốc phòng nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực, đặc biệt khu vực biên giới. Tỉnh Long An cần xác định mô hình phát triển mới là mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại, đa dạng; thay chuỗi số lượng sang chất lượng và cần có sự liên kết chặt chẽ, cùng hợp tác liên kết vùng để gỡ nút thắt về kết cấu hạ tầng, nhân lực, cơ chế và chính sách.

"TP Hồ Chí Minh cùng với Long An, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ cần liên kết với nhau, đồng bộ xác định phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường, với biến đổi khí hậu, người nông dân gắn với thị trường, chính quyền đóng vai trò kết nối”, ông Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh.

Đoàn công tác đã tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Long An, báo cáo Bộ Chính trị thông qua để phục vụ tổng kết Nghị quyết số 21/NQ/TW, trong thời gian tới.

Cùng ngày, đoàn công tác đã đến khảo sát tại Khu công nghiệp Long Hậu, Cảng quốc tế Long An thuộc địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.   

Tin, ảnh: Thanh Bình (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN