Ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ

Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm của tập thể Chính phủ với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và của mỗi thành viên Chính phủ. Mọi hoạt động của Chính phủ, thành viên Chính phủ phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Đây là một trong những nguyên tắc làm việc của Chính phủ tại Nghị định số 08/2012/NĐ-CP về Ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.

Quy chế cũng quy định nguyên tắc làm việc của Chính phủ đề cao trách nhiệm cá nhân, mỗi việc chỉ một người phụ trách và chịu trách nhiệm. Nếu công việc được giao cho cơ quan thì Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm. Công việc được giải quyết đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác và Quy chế làm việc của Chính phủ; bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm được pháp luật quy định, Chính phủ thảo luận tập thể và biểu quyết những vấn đề quan trọng quy định tại Điều 19 Luật Tổ chức Chính phủ; kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành, thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Thành viên Chính phủ tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ; cùng tập thể Chính phủ quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất với Chính hủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong và ngoài lĩnh vực mình phụ trách; chủ động làm việc với Thủ tướng, Phó Thủ tướng về các công việc của Chính phủ và các công việc có liên quan. Thành viên Chính phủ là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật do cơ quan mình chủ trì chuẩn bị. Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương của các đoàn thể nhân dân; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo các quy chế và quy định có liên quan; nghiên cứu, giải quyết và chủ động báo cáo, đối thoại, trả lời các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể nhân dân về những vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Thành viên Chính phủ không được nói và làm trái với các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang Bộ… Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4, thay thế Nghị định số 179/2007/NĐ-CP.


TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN