Ngài Samdech Krolahom Sar Kheng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội nghị AMMTC 16, chủ trì Hội nghị. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam dự và phát biểu tại phiên toàn thể.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ngài Samdech Krolahom Sar Kheng nêu rõ, sau bối cảnh của đại dịch COVID-19, các loại tội phạm xuyên quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó đoán định, đặc biệt là các vụ việc xảy ra trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều loại tội phạm bất chấp hạn chế đi lại do dịch bệnh vẫn gia tăng hoạt động như tội phạm mua bán người, khủng bố, buôn bán trái phép chất ma túy, rửa tiền…
Đây không chỉ là những trở ngại cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội ở tất cả các nước ASEAN, mà còn tác động đến tình hình an ninh trật tự, cản trở những nỗ lực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia tất cả các nước thành viên ASEAN. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy hợp tác, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước đối tác đối thoại để cùng nhau tìm ra các giải pháp, phương án thích hợp giảm thiểu những tác động, rủi ro đối với an ninh, chính trị, hòa bình và thịnh vượng ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN nói riêng, khu vực ASEAN nói chung là rất quan trọng.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, xác định được nguy cơ, thách thức của tình hình tội phạm, thời gian qua, Bộ Công an Việt Nam đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây tội phạm hình sự, ma túy, mua bán người và đưa người di cư trái phép, tội phạm mạng và sử dụng công nghệ cao, khủng bố, cùng các loại tội phạm xuyên quốc gia khác, đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, là một nước thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN nói chung và hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các cơ quan thực thi pháp luật ASEAN cần tiếp tục củng cố và đẩy mạnh triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình, kế hoạch hợp tác về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong các cơ chế hợp tác đa phương ASEAN hiện có. Các bên đẩy mạnh trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực, đặc biệt là các loại tội phạm luôn tiềm ẩn xu hướng gia tăng như tội phạm về ma túy, tội phạm mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao...; tích cực, phối hợp xác minh, truy bắt, tiếp nhận, dẫn độ các đối tượng truy nã trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương.
Các bên tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động, chương trình làm việc trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại. Đồng thời, tích cực nghiên cứu thúc đẩy đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác song phương về phòng, chống tội phạm nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình hợp tác như Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định dẫn độ tội phạm, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù… Các bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các nước đối tác đối thoại của ASEAN trên các lĩnh vực ưu tiên như hợp tác phòng, chống tội phạm ma túy, tội phạm mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, mua bán người; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hội nghị, hội thảo chuyên đề cho cán bộ thực thi pháp luật nhằm duy trì sự ủng hộ của các nước đối tác đối thoại cả về nguồn nhân lực và chính sách trong đối phó với các mối đe dọa an ninh chung.
Tại phiên họp toàn thể Hội nghị AMMTC 16, các nước ASEAN đã cùng nhau thảo luận nhằm đánh giá về kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở mỗi nước và nghiên cứu thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, góp phần đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực.