Bên lề Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đã chia sẻ về những thay đổi hiệu quả của các phiên trên nghị trường và mức độ hài lòng của các đại biểu đối với những người được chất vấn.
Xin ông cho biết những thay đổi trong các phiên chất vấn vừa qua đã mang lại những mặt tích cực gì?
Các phiên chất vấn vừa qua đã đổi mới căn bản về mặt hình thức, không xác định chủ thể để giám sát, có nghĩa là bất cứ thành viên nào của Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán… đều có thể được chất vấn tại nghị trường và không được báo trước.
Việc đổi mới còn thể hiện các vấn đề chất vấn không phải là các chuyên đề như các kỳ họp trước. Do vậy, các đại biểu phải chuyển bị rất nhiều vấn đề để hỏi, các chủ thể được chất vấn cũng phải chuẩn bị nhiều vấn đề, tổng hợp các vấn đề trong 6 kỳ họp chứ không chỉ trong một vài vấn đề như các kỳ họp trước.
Là Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, xin ông cho biết, chất vấn của các đại biểu trên nghị trường đã phản ánh đúng nguyên vọng của cử tri chưa?
Có thể nói, các vấn đề được chất vấn đều tập trung vào những việc cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là các vấn đề mà những người được chất vấn rất quan tâm. Có nhiều bộ trưởng cũng mong muốn được chất vấn đề bày tỏ cho cử tri và nhân dân cả nước biết về sự cố gắng của họ. Đặc biệt là những vấn đề mà họ đã cố gắng thực hiện trong thời gian qua, cũng là để họ báo cáo trước quốc dân đồng bào.
Đặc biệt, trong các phiên chất vấn có 2 nhóm vấn đề rất rõ. Thứ nhất là nhóm vấn đề cũ, đã tồn tại từ nhiều kỳ họp trước, những người bị chất vấn đã báo cáo trước Quốc hội và cử tri việc họ đã thực hiện tới đâu. Ngoài ra, còn có những nhóm vấn đề mới được đặt ra và hầu hết những vấn đề mới này đều phản ánh đúng nguyện vong, tâm tư của cử tri.
Tại phiên chất vấn này, ông đã chất ngành nội vụ về công tác cán bộ, yêu cầu cần nghiêm khắc hơn khi xử lý cán bộ và tranh luận với nhiều bộ trưởng khác. Ông có hài lòng với phần trả lời của các Bộ trưởng không? Họ đã đi đến cùng vấn đề mà các đại biểu nêu ra chưa?
Các đại biểu đã cùng các thành viên Chính phủ nhận diện vấn đề, đưa ra ý kiến và làm rõ vấn đề để đi tới tận gốc của sự việc. Riêng tôi mong muốn, các Bộ trưởng phải nêu thật rõ, ngoài việc rà soát phải quan tâm sâu sát, xử lý tận gốc vấn đề. Nếu chúng ta chỉ xử lý trên tinh thần rút kinh nghiệm thì sẽ không giúp cho nhà nước giải quyết vấn đề, đặc biệt là việc quản lý cán bộ.
Vì trong tất cả các vấn đề đó, thì cán bộ chính là khâu gốc, cốt lõi. Do vậy, xét ở khía cạnh nào đó thì phải giải quyết được khâu cán bộ. Cho dù chúng ta có bàn về các nội dung khác thì cũng phải bàn về khâu cán bộ, ai làm việc đó.
Cử tri mong muốn, sau khi được chất vấn các thành viên Chính phủ phải thực hiện lời hứa trên Quốc hội. Vậy có chế tài nào cho những người không thực hiện đúng lời hứa không thưa ông?
Trước khi bước vào phiên chất vấn, các bộ trưởng rất lo lắng. Có nhiều người rất tâm tư. Do vậy, chế tài đầu tiên tức là giải tỏa tinh thần đối với họ. Thứ hai, khi các trưởng ngành trình bày các vấn đề không chỉ trước Quốc hội, mà còn trước toàn thể quốc dân đồng bào, cử tri cả nước, nên trách nhiệm được thể hiện rất cao.
Do vậy, nếu các bộ trưởng không thực hiện lời hứa thì các đại biểu Quốc hội sẽ đi đến cùng vấn đề. Như vậy, việc đánh giá sau này rất rõ về mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí có xử lý đối với những người sai phạm. Do vậy, các bộ trưởng phải nói đi đôi với làm, có hiệu quả. Không để cử tri phản ánh liên tục về ngành của mình không thực hiện được công việc đã hứa.
Xin cảm ơn ông!