Thuế, Hải quan tiến bộ đáng kể nhờ áp dụng công nghệ
Sáng 17/8, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018).
Hội đồng đã tiến hành thu thập thông tin về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) tại 63 tỉnh, thành và các Bộ, ngành Trung ương ở 8 lĩnh vực: Thuế, đăng ký kinh doanh, hải quan, đất đai, giấy phép chứng chỉ hành nghề điều kiện kinh doanh, đầu tư, môi trường, xây dựng.
Theo báo cáo kết quả APCI 2018, 0,07 triệu đồng là chi phí tuân thủ (CPTT) của nhóm TTHC có mức CPTT thấp nhất; 64,1 triệu đồng là CPTT của nhóm TTHC có mức CPTT cao nhất.
Trong 8 nhóm được khảo sát, hai nhóm thủ tục dẫn đầu với mức CPTT thấp nhất là nhóm Thuế và nhóm Hải quan (Bộ Tài chính – cơ quan đã và rất tích cực trong việc cải cách các TTHC thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam).
Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm thủ tục Xây dựng với CPTT là 64,1 triệu đồng, gấp rất nhiều lần nhóm thủ tục quán quân của APCI 2018.
Đặc biệt, trong báo cáo cũng chỉ ra rằng 23/63 địa phương nằm ở góc “hiệu quả” với chi phí trực tiếp thấp và thời gian ngắn; 19/63 địa phương nằm ở góc độ “cần cải thiện” với chi phí trực tiếp cao và thời gian dài.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội đồng tư vấn cái cách TTHC báo cáo. Ảnh: H.V
|
Ông Ngô Hải Phan cho biết, qua khảo sát cho thấy, người đứng đầu phải quyết tâm cải cách thì mới có chuyển biến. Khu vực phía Nam có chi phí trực tiếp, chi phí thời gian ít hơn khu vực phía Bắc, miền Trung. Đây chính là vai trò của người đứng đầu. Chi phí thấp cũng liên quan tới việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính công. Do đó, cần tăng cường kiểm soát việc xây dựng TTHC, đánh giá ảnh hưởng tới người dân. Việc cải cách này phải gắn liền với vai trò của người lãnh đạo, sự hài lòng của người dân.
Làm quyết liệt để dẹp tình trạng lót tay, bao thư…
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trên cơ sở 8 nhóm này, nếu không quyết liệt, đồng bộ thì không ai muốn cải cách. Đây là quyền lợi, lợi ích của người có chức vụ. Lĩnh vực hải quan, thuế…sau khi thực hiện đã có kết quả tốt. Do vậy, nếu quyết tâm làm tốt thì công tác lót tay, bao thư… sẽ giảm mạnh.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.V
|
Ông Ngô Hải Phan cho rằng, việc cải cách thể chế ở Trung ương là rất cần thiết như việc áp dụng Chính phủ điện tử, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ xử lý hồ sơ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính minh bạch, công khai là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ. Doanh nghiệp, người dân khi tiếp cận TTHC còn mất nhiều thời gian, nhiều chi chí chính thức và không chính thức. Do vậy, Hội đồng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến để công bố công khai chỉ số về chi phí của doanh nghiệp và người dân.
Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đối thoại, gặp gỡ và lắng nghe các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, để cái cách thủ tục hành chính. Tiến tới quản trị thông minh, tạo ra dư địa cho tăng trưởng kinh tế. Nếu cắt giảm được nhiều chi phí thì việc ra nhập thị trường sẽ thuận lợi hơn.
Năm nay, Chính phủ quyết tâm cắt giảm 50% của hơn 5.900 các điều kiện kinh doanh. Nhưng không cắt giảm theo cơ học hay cắt cái này mọc cái khác. Văn phòng Chính phủ sẽ rà soát "cắt bỏ những điều kiện không cần thiết, quy định phức tạp thì làm đơn giản hóa. Sẽ có “va chạm”, nhưng phải chấp nhận, không muốn cũng phải làm. Cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi. Chúng ta phải tiến tới mục tiêu cải cách hành chính như các nước", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.