An Giang thực hiện nghiêm 'chặt ngoài, chặt trong', chặn nguồn lây dịch bệnh

An Giang tranh thủ "thời gian vàng" của giãn cách xã hội khẩn trương, quyết liệt xét nghiệm tầm soát, thần tốc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị, ngắt nhanh nguồn lây, nhanh chóng làm sạch địa bàn. Đồng thời, thực hiện nghiêm “chặt ngoài, chặt trong”, chặn nguồn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng...

 Đến sáng 30/8, An Giang đã ghi nhận 1.973 ca mắc COVID-19; trong đó có 706 ca trong khu cách ly tập trung, 483 ca trong khu phong tỏa và 708 ca ngoài cộng đồng. Toàn tỉnh ghi nhận 18 trường hợp tử vong do mắc COVID-19. Đánh giá mức độ nguy cơ, An Giang có 2 huyện thuộc khu vực nguy cơ rất cao; 5 huyện, thành phố thuộc nguy cơ cao; 3 huyện, thị xã thuộc khu vực nguy cơ và 1 huyện bình thường mới.

Chú thích ảnh
An Giang sẽ tận dụng thời gian những ngày còn lại của giãn cách xã hội để tăng cường các biện pháp chống dịch phù hợp hơn trong tình hình mới. Ảnh minh họa.

Gần 2 tháng dịch bệnh bùng phát, An Giang đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi 7 huyện, thành phố và 5 huyện, thị xã thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg đến hết ngày 5/9 khi một số địa phương vẫn phát sinh ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Đánh giá nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh chưa “hạ nhiệt”, Sở Y tế tỉnh cho rằng, trong các khu cách ly tập trung số ca mắc tăng cao có sự lây nhiễm chéo giữa các F1, nhân viên y tế không tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc mặc đồ bảo hộ chưa đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với F1 chuyển thành F0...

Để giải quyết nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, tỉnh An Giang đã triển khai kế hoạch tổ chức cách ly y tế tập trung tại 15 khách sạn thuộc các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Long Xuyên và Châu Đốc với sức chứa khoảng 2.000 người theo hình thức tự nguyện hoặc có thu phí.

Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các huyện tận dụng thời gian những ngày còn lại của giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg rà soát, điều chỉnh những biện pháp phòng, chống dịch chưa hiệu quả, tăng cường các biện pháp phù hợp hơn trong tình hình mới. Trong đó, tỉnh tranh thủ "thời gian vàng" của giãn cách xã hội khẩn trương, quyết liệt xét nghiệm tầm soát, thần tốc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị, ngắt nhanh nguồn lây, nhanh chóng làm sạch địa bàn. 

“Tỉnh cũng yêu cầu các huyện thực hiện nghiêm “chặt ngoài, chặt trong”, chặn nguồn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, tăng cường kiểm soát chặt các chốt chặn cả trên biên giới và trong nội địa nhằm ngăn chặn nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào tỉnh. Các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ tại khu vực nguy cơ cao, vùng đang phong tỏa để đảm bảo dịch bệnh không lây lan và có chiến lược “sống chung với dịch” trong điều kiện bình thường mới…”, ông Bình cho biết.

Hiện tỉnh An Giang đã thành lập 2 tổ công tác tại huyện An Phú, Châu Thành với mục tiêu kiểm soát, ngăn chặn và dập dịch hiệu quả nhất để bảo vệ vững chắc "vùng xanh", xanh hóa "vùng vàng" "vùng cam" và thu hẹp "vùng đỏ". Tỉnh cũng yêu cầu các huyện bố trí tối thiểu 200 giường điều trị F0 không triệu chứng (tầng 1) và 20 giường điều trị F0 có triệu chứng (tầng 2) tại các Trung tâm y tế huyện...

Gần 2 tháng qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân An Giang đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng triển khai, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc" để ngăn chặn, dập dịch, bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh, các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã không quản ngày đêm, mưa nắng vất vả, tuần tra, bám chốt, trạm, thực hiện phòng, chống dịch nơi biên cương Tổ quốc cũng như trong nội địa; khẩn trương điều tra, truy vết, xét nghiệm, sàng lọc, quản lý cách ly, điều trị bệnh nhân; kịp thời hỗ trợ các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... 

Dự báo diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao và nhanh, Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân An Giang chấp hành nghiêm quy định trong phòng, chống dịch. Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang cũng kêu gọi các y, bác sĩ, điều dưỡng, người lao động ngành y tế đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, các sinh viên ngành y đang học tập, cư trú trong tỉnh… thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân, tương ái đăng ký tình nguyện tham gia và góp phần vào các hoạt động phòng, chống dịch; tư vấn hoặc trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh tại địa phương.

An Giang đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine trong cộng đồng, ưu tiên tiêm tại các vùng nguy cơ cao, lực lượng tài xế vận chuyển hàng hóa trên địa bàn, tiểu thương các chợ truyền thống và giáo viên để chuẩn bị cho năm học mới. Tỉnh cũng vận động các tổ chức, "mạnh thường quân" ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu... , nhằm hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
An Giang thay đổi cách tiếp cận trong phòng, chống dịch
An Giang thay đổi cách tiếp cận trong phòng, chống dịch

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn, chiều 26/8, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh để bàn các giải pháp ứng phó, nhằm sớm kiểm soát và khống chế được dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN