Tham dự có nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, cùng lãnh đạo tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng; đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khát vọng phát triển
Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, Hội nghị là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Nội dung Quy hoạch bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn chiến lược đã cụ thể hóa khát vọng đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng. Phấn đấu đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.
Tỉnh cam kết đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 cho lãnh đạo tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận hợp tác cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Linh hoạt, đồng bộ thực hiện Quy hoạch tỉnh thành công
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của Thái Bình trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Tỉnh có nhiều lợi thế phát triển về vị trí địa lý, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Công tác xây dựng nông thôn mới được đầu tư bài bản, nghiêm túc. Bên cạnh đó, tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp là người con Thái Bình luôn hướng về quê hương. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, thống nhất cao. Với những tiềm năng, điều kiện thuận lợi đó, Phó Thủ tướng kỳ vọng, tỉnh sẽ bứt phá, phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng đã chỉ ra những khó khăn của Thái Bình như điều kiện hành lang pháp lý; cạnh tranh với các địa phương lân cận, nhất là về thu hút vốn đầu tư FDI… Trên tinh thần đồng tình với 3 khâu đột phá then chốt, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 trụ cột tăng trưởng Quy hoạch tỉnh đã đề ra, Chính phủ sẽ đồng hành cùng địa phương vì sự bình yên và phát triển của Thái Bình trong tương lai.
Để thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng chia sẻ với địa phương 8 chữ, gồm: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu. Trong đó, tuân thủ những định hướng mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra cùng với các nhóm giải pháp thực hiện; linh hoạt trong thực hiện, nhất là trong những trường hợp cá biệt cụ thể cần điều chỉnh cho phù hợp; quy hoạch được phê duyệt đồng bộ với hệ thống quy hoạch ở cấp dưới và những kế hoạch, đường hướng, mục tiêu cụ thể…; thấu hiểu là nắm rõ, hiểu rõ về Quy hoạch để có thể tuân thủ thực hiện, linh hoạt và đồng bộ.
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định, Quy hoạch tỉnh được xây dựng công phu, khoa học, có tầm nhìn với quyết tâm, khát vọng to lớn và sự đột phá trên tinh thần kế thừa những thành quả của nhiều nhiệm kỳ, thế hệ cán bộ, đảng viên, thành viên trong hệ thống chính trị, đội ngũ doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đạt được.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Quy hoạch, đưa khát vọng phát triển của tỉnh trở thành hiện thực, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận và quyết tâm cao. Các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và kiên trì mục tiêu; quan tâm nghiên cứu, đánh giá, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, qua đó thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, tăng quy mô nền kinh tế.
* Cùng ngày, tại Khu Công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), Lễ khởi công Nhà máy Pegavision Việt Nam thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegavision Việt Nam (Tập đoàn Pegatron Đài Loan, Trung Quốc) đã được tổ chức. Đây là nhà máy sản xuất và kinh doanh sản phẩm kính áp tròng mềm và các thiết bị quang học y tế có tổng vốn đầu tư 4.680 tỷ đồng, quy mô sản xuất 600 triệu sản phẩm/năm, được xây dựng trên diện tích 10 ha. Dự kiến, nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.