Ngày 15/9/1945, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đã phát đi toàn thế giới toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời khắc thiêng liêng ấy được in đậm trong lịch sử thông tin nước nhà, đánh dấu sự ra đời của cơ quan Thông tấn đầu tiên trong lịch sử đất nước.S uốt chặng đường 78 năm đồng hành cùng đất nước - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) - cơ quan vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên - đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, TTXVN đã, đang vươn lên thực hiện mục tiêu trở thành cơ quan Thông tấn có uy tín trong khu vực theo mô hình tổ hợp truyền thông quốc gia đa phương tiện mạnh, hiện đại với đủ các loại hình thông tin, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Khẳng định vai trò chủ lực trong hệ thống truyền thông quốc gia
Là một trong những cơ quan báo chí lớn của cả nước, TTXVN luôn quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ trong tác nghiệp điều hành. Từ cuối năm 1984, đầu năm 1985, nhóm kỹ sư 5 người của Tổ vi xử lý của TTXVN đã phát triển thành công loại máy vi tính 8 bits đầu tiên. Tuy còn rất thô sơ, vỏ bằng tôn gò nhưng đã xử lý thành công tiếng Việt trong các khâu cơ bản như: gõ, hiển thị, in ấn trên máy in kim, quản lý, truyền tin văn bản tiếng Việt đầy đủ dấu với cả chữ thường và chữ viết hoa. Ngày 1/8/1985, đường truyền thông tin điện tử (micro computer) tốc độ cao (lúc đó là 1200b/s) giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của TTXVN chính thức khai trương với các máy vi tính xử lý văn bản tiếng Việt ở hai đầu, trở thành luồng thông tin chính trên tuyến Bắc - Nam của TTXVN. Sự kiện này đưa tiếng Việt trở thành một trong những ngôn ngữ được xử lý trực tiếp trên máy vi tính. Việc TTXVN được tặng Huy chương Vàng tại Hội chợ triển lãm Khoa học - Kỹ thuật toàn quốc lần thứ II (tháng 9/1985) đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc về cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành.
Hệ thống kỹ thuật của TTXVN ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện trong từng giai đoạn. Ngay từ thập niên 1990, Ban Lãnh đạo TTXVN đã xác định mục tiêu thực hiện cuộc cách mạng công nghệ trong phạm vi toàn ngành: Thay thế mọi kênh thông tin kiểu cũ (telex và kênh analog) bằng kênh truyền số liệu; thay thế mọi công đoạn dùng máy chữ bằng máy tính, phát triển hệ thống biên tập ảnh số. Vì vậy, năm 1998, ngay khi Việt Nam có kênh internet, TTXVN đã lần lượt khai trương các website thông tin của ngành và báo ViệtNam News - đây là các website thông tin đầu tiên của Việt Nam.
Bước vào đầu thế kỷ 21, ngành tiếp tục hướng đến việc mở rộng quy mô mạng thông tin; đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin; nghiên cứu phát triển bổ sung các ứng dụng công nghệ thông tin đa phương tiện theo kịp trào lưu bùng nổ công nghệ thông tin trong xã hội; đẩy mạnh dịch vụ cung cấp thông tin, khắc phục hoàn cảnh cạnh tranh, tạo nguồn thu bổ sung cho ngành, cho đơn vị. Với sự ra đời của Báo điện tử Vietnamplus (năm 2008), Thể thao và Văn hóa (năm 2010), Truyền hình Thông tấn (năm 2010)... đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động truyền thông đa phương tiện của TTXVN.
TTXVN đã ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, phát triển hệ thống tác nghiệp đa tầng trong quy trình sản xuất thông tin, bước đầu thực hiện việc hội tụ trong liên kết, phân phối sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã rút ngắn thời gian xử lý thông tin từ khâu chỉ đạo, tổ chức sản xuất cho đến xuất bản. Đây cũng chính là chiến lược được ưu tiên của các hãng thông tấn, các cơ quan báo chí trên thế giới mà TTXVN đã học hỏi kinh nghiệm để đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số.
Năm 2017, TTXVN đã khai trương trang infographics.vn, dẫn đầu xu thế báo chí dữ liệu ở Việt Nam. Đến nay, các đồ họa của TTXVN không chỉ đa dạng về nội dung lẫn hình thức, còn có tính tương tác. Nhiều thông tin đồ họa đẹp, hiện đại, không khác gì sản phẩm được đăng trên các báo hàng đầu thế giới.
TTXVN hiện nay hoạt động theo mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện với 15 đơn vị thông tin đối nội, đối ngoại (5 ban biên tập, 2 trung tâm thông tin nguồn, 8 tòa soạn báo), hệ thống 63 cơ quan thường trú trong nước, 30 cơ quan thường trú ngoài nước, 5 trung tâm phục vụ thông tin, một nhà xuất bản, hai doanh nghiệp in, các cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khu vực phía Nam và các đơn vị chức năng. Sản phẩm thông tin của TTXVN phong phú về loại hình với hơn 60 sản phẩm từ thông tin nguồn bằng văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa, âm thanh... đến các xuất bản phẩm gồm báo ngày, tuần báo, tạp chí, báo ảnh, ấn phẩm sách, báo điện tử, trang thông tin điện tử, báo giấy trực tuyến, thông tin trên các thiết bị di động, các nền tảng truyền thông xã hội...
Cùng với các trang thông tin đặc biệt nhân các sự kiện quan trọng của đất nước, như: http://www.daihoidang.vn; http://www.baucuquochoi.vn; https://seagames.vnanet.vn/..., trong hai năm 2022 - 2023, TTXVN đã cho ra mắt các chuyên trang thông tin: https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/, https://nvsk.vnanet.vn/ cung cấp các thông tin về chính sách, sự kiện, các vấn đề thời sự được quan tâm..., thể hiện thông tin theo hướng đa loại hình, đa nền tảng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Các sản phẩm thông tin kết hợp nhiều loại hình thu hút độc giả bởi tính tổng hợp vấn đề cao, những bài phân tích, bình luận chuyên sâu, tích hợp nhiều hình ảnh phản ánh sinh động các chủ đề thông tin. Sự kết hợp công phu giữa thông tin dữ liệu, thông tin thời sự mang lại chiều sâu thông tin, tăng độ hấp dẫn đối với bạn đọc, góp phần nâng cao vai trò thông tin chủ lực của TTXVN trong hệ thống truyền thông quốc gia.
Với 14 website báo điện tử và các hệ thống ứng dụng sản xuất thông tin, các hệ thống tư liệu tin, ảnh, video, việc đẩy mạnh đăng tải thông tin trên mạng xã hội đã giúp thông tin chính thống của TTXVN nhanh chóng lấn át được các luồng thông tin trái chiều, xấu độc trên mạng xã hội. TTXVN cũng đã phát triển kênh phân phối nội dung bằng việc đưa thông tin của TTXVN lên các bảng điện tử tại nhiều địa điểm công cộng, mang thông tin đến gần hơn với bạn đọc, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận nguồn tin chuẩn xác, kịp thời định hướng tư tưởng đối với các vấn đề "nóng" của xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ thông tin chiến lược trong tình hình mới
Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, với sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình truyền thông, sự thay đổi lớn trong cách tiếp nhận thông tin của công chúng đã tạo ra những cơ hội cũng như thách thức đối với ngành truyền thông nói chung và các hãng thông tấn nói riêng, trong đó có TTXVN. Việc kiên trì số hóa thông tin tư liệu nhiều năm qua đã giúp TTXVN dần hình thành các cơ sở dữ liệu số. Đây chính là nền tảng để TTXVN thử nghiệm, phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) giúp khai thác giá trị gia tăng của báo chí dữ liệu.
Chuyển đổi số đã tạo điều kiện để TTXVN nắm bắt được nhu cầu về thông tin của công chúng một cách nhanh chóng hơn thông qua các ứng dụng, tính năng tương tác trực tiếp, từ đó tạo ra những sản phẩm thông tin vừa đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, vừa gần gũi, dễ tiếp cận hơn với công chúng. Bước vào tuổi 78, trong năm 2023, TTXVN đã cho ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ mới, như: đọc máy tự động đa ngữ; tích hợp video lên trang thông tin của ngành.
Với những bước đi cụ thể chuyển đổi số quy trình quản lý, điều hành, sản xuất thông tin, đến nay, TTXVN đã phát triển đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật hiện đại. Hệ thống xử lý thông tin của ngành từ chỗ tạo ra từng "module" cho mỗi loại hình báo chí đã chuyển sang mô hình đa phương tiện, đa nền tảng, tăng cường kết nối giữa các sản phẩm thông tin. Liên kết nội dung và quảng bá chéo đã mở rộng độ bao phủ, hiệu quả tuyên truyền của thông tin Thông tấn.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật TTXVN cho biết, để cụ thể cụ thể hóa chiến lược phát triển của ngành, việc ứng dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo cho loại hình thông tin âm thanh và video đang được đẩy mạnh. TTXVN đã từng bước xây dựng riêng hệ thống đọc máy đa ngữ với 6 ngôn ngữ và sẽ dần tích hợp lên tất cả các kênh phân phối thông tin của ngành như các báo, trang thông tin điện tử, các app di động … Việc đưa lên các nền tảng mới như loa thông minh, màn hình thông minh sẽ sớm được triển khai với mục đích tạo nên một phương thức tiếp cận thông tin mới của TTTXN cho độc giả thông qua tương tác bằng giọng nói.
Khẳng định vị thế của TTXVN, Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang cho biết: Bắt nhịp xu hướng truyền thông mới, TTXVN đã và đang tổ chức thông tin theo hướng đa loại hình, đa nền tảng. Sự kết hợp công phu giữa thông tin dữ liệu, thông tin thời sự mang lại chiều sâu thông tin, tăng độ hấp dẫn đối với bạn đọc. Phát huy thế mạnh của mạng lưới phóng viên thường trú rộng khắp, những tuyến thông tin trọng điểm đã đẩy mạnh kết hợp giữa thông tin trong và ngoài nước. Thông tin trực tuyến từ các điểm cầu ngoài nước đã tạo ra những sản phẩm thông tin khác biệt, độc quyền trong giới truyền thông trong nước.Với những thay đổi tích cực cả về nội dung, hình thức thể hiện, thông tin của TTXVN nói chung và thông tin về các sự kiện quan trọng của đất nước nói riêng luôn là nguồn tin được báo chí trong và ngoài nước khai thác, đăng tải rộng rãi, góp phần nâng cao vai trò thông tin chủ lực của TTXVN trong hệ thống truyền thông quốc gia.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XXVI của Đảng bộ TTXVN đã đề ra nhiệm vụ: "Đảng ủy TTXVN lãnh đạo toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, quyết tâm xây dựng TTXVN thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của quốc gia; khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của TTXVN trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ mới". Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự cạnh tranh gay gắt giữa các cơ quan báo chí và giữa báo chí với truyền thông xã hội, TTXVN tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng, Nhà nước, Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang nêu rõ.