Cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneva 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Giới học giả quốc tế nhận định thắng lợi của Hiệp định Geneva 1954 là một trong những thực tiễn sinh động, góp phần kết tinh thành triết lý đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Việt Nam trên con đường từ Điện Biên Phủ đến Geneva
Cuối năm 1953, trước những chuyển biến mạnh mẽ trên cục diện chiến trường ở Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.
Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết.
Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia; không can thiệp vào công việc nội bộ ba nước; đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương.
Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, không có giá trị là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời đặt dưới sự quản lý của đối phương; đồng thời quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7/1956.
Sử sách đã ghi nhận, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, là nhân tố quyết định dẫn tới thắng lợi của Hội nghị Geneva, đồng thời tạo thế để ta đấu tranh cho một giải pháp toàn diện về mặt chính trị và quân sự cho vấn đề Việt Nam trên bàn đàm phán.
Mềm dẻo, sáng suốt, kiên định: Kim chỉ nam giúp Việt Nam đàm phán thành công
Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN về Hiệp định Geneva Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai duy nhất của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia sẻ những kỷ niệm ông được cha kể lại sau cuộc đàm phán cam go đó.
“Ba tôi kể rằng bầu không khí đàm phán khi đó vô cùng căng thẳng… Trước khi lên đường, Bác Hồ căn dặn ba tôi rằng trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích: buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia”, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương chia sẻ.
Theo Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, Bác Hồ và cha ông, Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng) đã chuẩn bị rất kỹ nhiều vấn đề, phân tích và dự đoán tình huống sẽ diễn ra tại Hội nghị để có thể xử lý tình hình, đặc biệt là ý đồ và sự can thiệp của các nước lớn sẽ chi phối Hội nghị và chủ động các phương án đối phó.
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trình bày lập trường tám điểm đòi Pháp phải công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam và chủ quyền, độc lập của hai nước Lào và Campuchia.
Hiệp định Geneva đã giải quyết vấn đề Đông Dương theo đúng lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là: Kiến lập hòa bình trên cơ sở tôn trọng quyền thống nhất, độc lập, dân chủ của ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia.
Nói về chiến thuật của Việt Nam trong đàm phán ký kết Hiệp định Geneva Giáo sư, Nhà sử học Pierre Asselin (Đại học San Diego State, Hoa Kỳ) nhận định rằng Trưởng đoàn đàm phán Phạm Văn Đồng và các thành viên khác trong đoàn đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức, bao gồm cả áp lực đến từ phía đồng minh thân cận, nhưng với sự nhạy bén, sáng suốt trong xử lý, họ đã đạt được nguyên tắc trong Hiệp định Geneva là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Lập trường đàm phán này của Việt Nam được nêu rõ trong bài phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tờ báo Expressen, Thụy Điển ngày 26/10/1953: “Nếu Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN trước thềm kỷ niệm 70 năm ngày ký kết hiệp định Geneva, Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales (Australia), cho rằng “Ngoại giao cây tre” đã được thể hiện rõ nét tại đàm phán Hiệp định Geneva để đảm bảo lợi ích của Việt Nam.
Theo Giáo sư Thayer: “Trên cơ sở nắm bắt lập trường, ý đồ chiến lược của các nước lớn, Việt Nam đã xử lý mềm dẻo thông qua tiếp xúc, trao đổi thương lượng song phương hoặc đa phương trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneva. Việt Nam đã tiến hành đàm phán song phương và đa phương với các đoàn Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Anh và đại diện Thủ tướng Ấn Độ”.
Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneva đã làm thức tỉnh và cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hàng loạt các nước ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ - Latinh sau đó đã lần lượt giành được độc lập với hình thức và mức độ khác nhau; phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển ngày càng sâu rộng.
Đặc biệt, với niềm tin được cổ vũ mạnh mẽ bởi chiến thắng này, các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi cũng đồng loạt nổi dậy đòi độc lập. Từ năm 1954-1964, đã có 17 nước khu vực châu Phi giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho hầu hết các nước từng là thuộc địa của họ.
Bài cuối: Việt Nam mãi trân trọng sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế