Ngày 28/5, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố thêm 2 kỷ lục Việt Nam được công nhận kỷ lục châu Á là: Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á (chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương) và bức tranh “Cửu Long tranh châu” bằng ngọc nguyên khối lớn nhất do công ty trách nhiệm hữu hạn Dũng Tân thực hiện.Bức tranh "Cửu Long tranh châu". Ảnh: tranhdaquydungtan.cns.vn |
“Tượng Phật nhập niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á” (chùa Hội Khánh – Bình Dương) có chiều cao từ mặt đất lên 22,5m, từ mặt sàn lên bờ vai 11,8m, nặng 620 tấn. Dưới chân bệ nằm của Đức Phật là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập niết bàn. Xung quanh tượng Phật được trang trí bằng 840 cánh hoa sen đắp bằng xi-măng. Trước đó, ngày 30/3/2010, công trình đại tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập Niết bàn, với chiều dài 52m, cũng đã xác lập kỷ lục Việt Nam là “Tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam”.
Bức tranh “Cửu Long tranh châu” do công ty trách nhiệm hữu hạn Dũng Tân thực hiện bằng nguyên khối ngọc Pakistan gồm 9 con rồng. Ở giữa là viên ngọc minh châu, có chiều cao 1,83m (bao gồm phần âm vào đế gỗ 5cm), rộng 2,1m, dày 35cm và nặng hơn 2 tấn. Bức tranh mô tả sống động hình ảnh 9 con rồng châu Á đang uốn lượn trên mây cùng tranh một viên ngọc, thể hiện sức mạnh thiêng liêng, quyền uy, sự thịnh vượng và thành đạt.
Trước đó, đã có 5 kỷ lục Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á, trong đó có 2 kỷ lục châu Á về Phật giáo được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập là: Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á (chùa Phật Lớn – An Giang); Tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi dài nhất châu Á (chùa Linh Sơn Trường Thọ - Bình Thuận).
Ba kỷ lục gia Việt Nam lọt vào Top 30 kỷ lục gia châu Á gồm: Nghệ sỹ ưu tú, đạo diễn Nguyễn Văn Lượng - Đạo diễn có số lượng phim về đất nước, con người biển đảo nhiều nhất châu Á; họa sĩ Trương Hán Minh - họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất; họa sĩ Đặng Ái Việt - người vẽ chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất
.
Gia Thuận