Sáng nay (25/6) Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì cuộc họp.
Đến thời điểm này mưa lũ đã khiến 7 người chết, 12 người mất tích tập trung ở 2 tỉnh Hà Giang, Lai Châu. Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, số người chết, bị thương mất tích đợt mưa lũ này không phải tại nơi ở mà chủ yếu là do lũ cuốn, đá sập đè chết đi đang đi làm nương.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: V.H |
Mưa lũ cũng khiến 47 nhà bị đổ, cuốn trôi (Hà Giang: 16 nhà, Lai Châu: 7 nhà, Thái Nguyên: 24 nhà); 264 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp; 525 nhà bị ngập nước).
Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản: 391 ha lúa và hoa màu bị mất, thiệt hại (Hà Giang 70ha, Lai Châu: 214 ha) và 4 tấn thóc giống bị ngập tại Hà Giang; 12 con gia súc bị chết và 7,3 ha ao cá bị cuốn trôi ở Lai Châu.
Về giao thông: Các tuyến đường quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở còn gây tắc nghẽn giao thông: Tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa - Sìn Hồ qua xã Làng Mô; đường Làng Mô - Tủa Sín Chải; đường Mường Mô - Mường Tè.
Tổng thiệt hại ước tính hơn 76,6 tỷ đồng (Hà Giang: 10 tỷ đồng, Lai Châu: 60 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,4 tỷ đồng, Lào Cai: 6,3 tỷ đồng).
Riêng trường hợp 15 cháu học sinh ở huyện Than Uyên ( Lai Châu) chưa đến được điểm thi do lũ bị chia cắt. Sáng ngày 25/6, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo lực lượng chức năng có biện pháp, tổ chức đưa các cháu đến các điểm thi tham dự kỳ Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Mưa to kéo dài, cộng với các thủy điện đầu nguồn xả lũ nên nước sông Lô dâng cao gây ngập úng.Ảnh: Minh Tâm- TTXVN |
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lượng mưa những ngày qua không đều, lượng mưa lớn, cục bộ tập trung chủ yếu về đêm và sáng ở một nơi, cụ thể lượng mưa lớn xảy ra ở Nậm Giàng(Lai Châu) là 386 mm, Bắc Quang (Hà Giang) 335 mm. Dự báo, mưa lớn còn tiếp diễn trong ngày 25, 26 đến ngày 27 mưa sẽ giảm dần. Ngoài ra, lượng mưa ở Móng Cái, Quảng Ninh có thể xảy ra mưa lớn. Cảnh báo về nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở các địa phương: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện nay (25/6) rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam đi qua khu vực Bắc Bộ, trên khu vực vùng núi Bắc Bộ tiếp tục tồn tại xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5000m. Dự báo do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc-Đông Nam kết hợp với xoáy thấp phân tích trên, từ hôm nay (25/6) đến sáng ngày 27/6 ở Bắc Bộ có mưa rào và dông trên diện rộng, khu vực vùng núi và trung du có mưa to, có nơi mưa rất to và dông mạnh (thời gian mưa to tập trung vào đêm và sáng). Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
Do mưa lớn nhiều ngày nay, nguy cơ lũ quét sạt lở đất vẫn gia tăng, đặc biệt là sạt lở đất. Các tỉnh nguy cơ lũ quét sạt lở đất lớn nhất là Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng. Sạt lở đất nguy cơ xảy ra ở tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trước diễn biến mưa lũ, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương triển khai nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, khẩn trương chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018.
Rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó phù hợp với tình hình địa phương.