Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 25/4 có thể giảm 2,1%, tương đương 501 - 542 đồng, đưa giá xăng về mức 23.719 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.688 đồng/lít (RON 95-III).
Đặc biệt, mô hình của VPI dự báo giá bán lẻ dầu diesel và dầu hỏa kỳ này giảm mạnh đến 4,5 - 4,8%; trong đó giá dầu diesel có thể giảm 1.033 đồng về mức 20.407 đồng/lít, giá dầu hỏa có thể giảm 971 đồng về mức 20.439 đồng/lít. Giá dầu mazut dự báo tăng nhẹ 0,4% lên mức 17.277 đồng/kg và Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Chuyên gia Đoàn Tiến Quyết lưu ý là giá dầu mazut (FO) có thể đi ngược lại xu hướng giảm giá của các sản phẩm, giá tới ngày dự báo đang tăng nhẹ so với kỳ dự báo trước (17/4) nhưng cũng có thể không tiếp tục giá bán cũ (tức là không có sự điều chỉnh) do xu hướng giá dầu và sản phẩm đang trên đà giảm.
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 22/4, giá dầu thế giới đi xuống khi các nhà giao dịch nhận thấy xung đột tại Trung Đông sẽ ít có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung trong ngắn hạn. Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 0,33% xuống 87 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,35% xuống 82,85 USD/thùng.
Theo chuyên gia Phil Flynn thuộc Công ty tài chính Price Futures Group, các nhà giao dịch nhận thấy cán cân cung cầu sẽ thắt chặt trong những tháng tới. Ông Flynn dự báo nguồn cung sẽ thắt chặt trong mùa Hè này.
Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết một đợt tăng giá kéo dài của dầu thô có thể xảy ra nếu eo biển Hormuz, huyết mạch dầu mỏ quan trọng nhất thế giới, bị gián đoạn hoặc Saudi Arabia trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
Theo nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng, những lo ngại về hoạt động kinh tế không khởi sắc một lần nữa trở thành yếu tố gây giảm giá của thị trường dầu thô và giá dầu đang chịu áp lực do lượng dự trữ lớn của Mỹ tăng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu nới lỏng chính sách, dẫn đến đồng USD mạnh lên.