Chiều 18/6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, năm nay, vải thiều được mùa với sản lượng lớn. Nên ngay từ đầu vụ, Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh việc xúc tiến, tiêu thụ vải cho người dân. Đến nay, vải thiều không chỉ được xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn được xuất khẩu sang một số thị trường khó tính. Giá trị quả vải của Việt Nam đã được nâng lên, không bị các tư thương nước ngoài ép giá.
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian thu hoạch vải thiều chính vụ năm nay từ ngày 10/6 đến 25/7. Năm 2018, vải thiều Bắc Giang được mùa với sản lượng từ 150.000 đến 180.000 tấn, trong đó riêng sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn đạt trên 140.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hiện giá vải từ ngày 15-17/6/2018 như sau: Vải Thanh Hà: 16.000 – 25.000 đ/kg; vải thiều: 7.000 - 22.000 đ/kg. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 464 điểm cân vải, gồm các điểm cân lớn đóng xốp xuất sang Trung Quốc, vào miền Nam, ... và các điểm cân nhỏ dọc các tuyến đường mang đi tiêu thụ tại các tỉnh lân cận; có 152 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đến nay, tổng sản lượng đã xuất vào hệ thống siêu thị Sai Gon Co.op là 240 tấn; vào Big C là 2,6 tấn. Đối với thị trường nước ngoài, vải thiều chủ yếu được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, qua 2 cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai là 21.762 tấn; ngoài ra xuất sang thị trường Mỹ 1,1 tấn; Hà Lan 0,6 tấn; Australia 2 tấn; Nhật Bản 1,5 tấn...
Ngoài việc tiêu thụ vải tươi, toàn huyện còn có 168 lò sấy vải, tập trung tại các xã: Quý Sơn, Phượng Sơn, Nam dương, Trù Hựu; các doanh nghiệp chế biến như Công ty Nafood Nghệ An, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chủ yếu thu mua để ép nước.
Bộ NN&PTNT cũng vừa có buổi làm việc với khảo sát tình hình tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) – vùng trồng vải tập trung lớn nhất cả nước.
Bộ trưởng NN&PTNT ông Nguyễn Xuân Cường vừa có buổi làm việc với khảo sát tình hình tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). |
Theo Bộ trưởng NN&PTNT ông Nguyễn Xuân Cường, quả vải được mùa chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Đến thời điểm này, đã tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng vải của năm 2018.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ nay đến cuối vụ, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ tối đa giải pháp để tiêu thụ hết được các sản phẩm cho bà con nông dân ở giá cả hợp lý nhất và tiếp tục hỗ trợ bà con tiếp tục bảo quản chăm sóc sản phẩm.
Một số doanh nghiệp cũng đã vào cuộc, mua vải cho nông dân Bắc Giang. Ông Đinh Cao Khuê - Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cam kết mua 10.000 tấn vải cho bà con nông dân/kg với mức giá từ 16.000 – 20.000 đồng, trong đó, có 4.000 tấn xuất khẩu sang Nhật Bản... Công ty hiện có trên 10 điểm thu mua sản phẩm để xuất khẩu tươi, đóng hộp, ép nước...
Thu mua vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang. |
Ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc công ty TNHH Hùng Thảo, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn - doanh nghiệp chuyên thu mua vải thiều xuất khẩu cho biết, phía Trung Quốc thu mua vải yêu cầu vải tươi chất lượng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap. Bình quân 1 ngày, 1 chủ hàng phía Trung Quốc thu mua 70 đến 80 tấn.
Với quan điểm chỉ đạo tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong sản xuất và tiêu thụ, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 13.500 ha, ước sản lượng 90.000 tấn, chủ yếu tập trung tại huyện Lục Ngạn.
Diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha, được cấp mã số vùng trồng với 394 hộ tham gia, tập trung tại huyện Lục Ngạn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang chia sẻ, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn nói riêng luôn coi trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu, theo đó tập trung khai thông các thị trường tiềm năng, có giá trị kinh tế cao:
Địa phương quan tâm đến xúc tiến thương mại để tiêu thụ hết hàng cho nông dân, với giá ổn định. Chúng tôi chủ động làm việc các doanh nghiệp, hệ thống phân phối bán lẻ trong nước như: Big C, Hapro, SaiGop Coop… đến nay doanh nghiệp ký kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn khoảng 10.000 tấn.
Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác thị trường xuất khẩu, dự kiến sẽ có 50% sản lượng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và những thị trường có giá trị cao như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc. Chính quyền và người dân Lục Ngạn cam kết sản xuất vải thiều chất lượng, đảm bảo an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Linh cho biết, tỉnh Bắc Giang sẽ luôn đồng hành cùng bà con nông dân nhằm ổn định giá bán từ nay đến hết vụ vải thiều, đồng thời sẽ xem xét cơ cấu lại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng hướng đến phát triển thành ngành kinh tế cây ăn quả.
Dưới đây là một số hình ảnh chăm sóc và bảo quản vải của người dân Bắc Giang:
Ông Trần Đức Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa đi thăm vườn vải chờ thu hoạch ở huyện Tân Yên, Bắc Giang. |
Phân loại vải để đem đi tiêu thụ của người dân xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, Bắc Giang. |
Người dân xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, Bắc Giang thu hoạch vải, đem đi tiêu thụ |
Thu mua vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang. |