Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 19,11 điểm lên 1.128,83 điểm; HNX-Index tăng 2,25 điểm lên gần 230 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 579 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch gần 11.668 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trong phiên là VCB, MSN, VNH, VHM, BID, GAS, HPG, CTG, VPB, SAB.
Theo các nhà đầu tư, điều này không nằm ngoài sự phán đoán và kỳ vọng, khi thị trường lấy lại thăng bằng trong các phiên giao dịch đầu tuần. Đáng chú ý, thị trường đã có sự trở lại ấn tượng của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 14/11.
Bước sang phiên giao dịch ngày 15/11, dòng tiền đã có sự tham gia mạnh mẽ hơn khiến tâm lý nhà đầu tư tích cực và hưng phấn hơn, qua đó đã giúp thị trường tràn ngập sắc xanh. Đáng chú ý, tất cả cổ phiếu trong rổ VN30 đều đồng loạt khởi sắc đã giúp VN-Index không ngừng tăng điểm và giao dịch trên mốc 1.130 điểm, với mức tăng hơn 20 điểm vào lúc 10 giờ 15 phút.
Bên cạnh đà tăng mạnh của chỉ số, dòng tiền sôi động cũng đã được kích hoạt với giá trị khớp lệnh riêng trên sàn HOSE tại thời điểm trên ở mức hơn 7.100 tỷ đồng. Trong đó, nhiều mã như ACB, VIX, HPG, NVL, SSI, DIG có khối lượng khớp lệnh vượt 10 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, không có nhóm nào bị mất điểm. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu cùng nhịp đập thị trường là chứng khoán vẫn thuộc top dẫn đầu với các mã không ngừng nới rộng biên độ tăng như: SSI (+2,68%), VND (+2,94%), VCI (+2,96%), SHS (3,98%), HCM (+2,21%), VIX (+3,1%), MBS (+3,83%)…
Ngành thực phẩm - đồ uống ghi nhận thông tin tích cực khi các mã cổ phiếu đầu ngành đều tăng khá mạnh từ đầu phiên. Trong đó, VNM bất ngờ tăng gần 3%, theo sau là cổ phiếu MSN và SAB với mức tăng lần lượt là 2,56% và 2,26%.
Theo đại diện Công ty chứng khoán (CTCK) BETA, vùng 1.085 - 1.100 điểm đang đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index, trong khi đó, đường MA200 (1.115 điểm) đóng vai trò kháng cự khá cứng cho quá trình hồi phục của chỉ số VN-Index hiện nay. Thời gian tới, nếu VN-Index vượt qua điểm kháng cự này, cùng với thanh khoản duy trì tốt, sẽ giúp cho xu hướng dài hạn của thị trường trở lại trạng thái tích cực về mặt kỹ thuật, khi đó dòng tiền của nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều khả năng sẽ cải thiện tích cực hơn.
BETA khuyến nghị nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao với tầm nhìn dài hạn có thể tận dụng những nhịp rung lắc, điều chỉnh để xem xét mua tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực trong quý cuối năm 2023 và năm 2024, khi mặt bằng lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, tuy nhiên hạn chế tâm lý mua đuổi bằng mọi giá.
Còn theo đại diện CTCK Vietcombank (VCBS), vùng 1.080 - 1.100 điểm hiện là vùng hỗ trợ gần nhất. VCBS cho rằng, VN-Index có thể sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy quanh 1.100 điểm và trong quá trình đó cũng không loại trừ khả năng sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ gần nhất trước khi xuất hiện xu hướng mới.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư bám sát diễn biến thị trường trong những phiên tới để có thể kịp thời cơ cấu lại danh mục nếu thị trường bất ngờ gia tăng mức độ biến động.
Trong khi đó, CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận định, thị trường ngày 15/11 tăng nhưng chỉ số VN-Index vẫn có thể còn giằng co quanh đường trung bình 200 phiên; đồng thời điểm tích cực là đồ thị giá của chỉ số VNMidcaps có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Yuanta kỳ vọng dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu này trong vài phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mua mới.
Theo đại diện CTCK Rồng Việt (VDSC), nhà đầu tư nên chậm lại để quan sát trạng thái cung cầu, tạm thời không nên mua đuổi theo các cổ phiếu đã tăng giá mạnh. Hiện tại, có thể tranh thủ khả năng tăng điểm của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu lại danh mục.