Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoc tức ngân hàng trung ương) đã tăng lượng giữ vàng trong 18 tháng liên tiếp.
Theo Bloomberg, trong nửa đầu năm nay đã xảy ra "cơn sốt vàng" và PBoC đã dừng mua vàng. Điều này càng cho thấy giá cả tăng vọt đang kìm hãm nhu cầu từ các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết việc mua vàng của PBoC vẫn là động lực chính thúc đẩy giá vàng trong năm nay.
Giá vàng đã tăng hơn 20% trong năm nay, đạt mức cao kỷ lục (2.531,60 USD/ounce) trong tháng Tám vừa qua khi các nhà giao dịch tăng đặt cược vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nới lỏng tiền tệ. Trong khi giá cao đã ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ của các mặt hàng như đồ trang sức ở Trung Quốc gần đây, các mặt hàng như vàng miếng và tiền vàng đang ngày càng phổ biến khi các nhà đầu tư tìm cách bảo vệ tài sản khỏi nền kinh tế đang yếu đi.
Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, trong quý II năm nay, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua 183 tấn vàng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc phân bổ tài sản dự trữ đa dạng hiện nay không phải là hành vi cá nhân mà là xu hướng quốc tế.
Theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, giá vàng hiện tại vẫn ở mức cao, nhưng xét đến lợi thế của vàng trong việc tránh rủi ro, chống lạm phát cũng như bảo tồn và đánh giá giá trị lâu dài, các chuyên gia trong ngành cho rằng xu hướng chung tăng dự trữ vàng trong kho dự trữ quốc tế của Trung Quốc không thay đổi. Hiện tại, tỷ lệ dự trữ vàng ở các thị trường mới nổi vẫn còn tương đối thấp, vẫn còn dư địa để PBoC tăng lượng nắm giữ vàng trong tương lai, nhưng chưa thể dự đoán tốc độ mà các ngân hàng trung ương sẽ tăng lượng vàng nắm giữ..
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer nói với Reuters rằng Ngân hàng trung ương Trung Quốc là nhà mua vàng lớn nhất thế giới vào năm 2023, xuất phát từ những cân nhắc về chính trị hơn là kinh tế, chẳng hạn như giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. PBoC dự kiến sẽ tiếp tục mua vào vào một thời điểm nào đó.