Trì trệ chuyển giao vốn nhà nước về SCIC vì... luyến tiếc quyền lợi

Đã quá nửa thời gian để thực hiện Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, song đến nay chưa được 50% số doanh nghiệp trong diện này chuyển giao vốn về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước. Một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ đã được chỉ ra là "ý chí và thái độ sẵn sàng" của bên bàn giao, do có liên quan tới quyền lợi.

Chú thích ảnh
Chậm bàn giao vốn về các đầu mối tập trung, nguồn lực sẽ không được sử dụng hiệu quả. Ảnh minh họa: SCIC

Đến  giờ này,  tổng giá trị tài sản gần 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu nhà nước theo giá trị sổ sách trên 820.000 tỷ đồng của 19 tập đoàn, tổng công ty đã được chuyển giao nhanh chóng về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN). "Bí quyết" chuyển giao nhanh chóng của các bộ chủ quản của 19 đơn vị này là kỷ luật tài chính được thực thi nghiêm túc.

Đây cũng là kinh nghiệm soi chiếu khi thực hiện chuyển giao vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Nhanh hay chậm, phụ thuộc vào ý chí và mức độ sẵn sàng

Xét trên góc độ trình tự chuyển giao, việc chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ một cơ quan nhà nước này sang một cơ quan nhà nước khác không thực sự tương đồng như trình tự chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ một bộ ngành, địa phương sang SCIC. Cụ thể, việc bàn giao doanh nghiệp từ các bộ sang Ủy ban là bàn giao nguyên trạng. Trong khi, việc bàn giao vốn về SCIC còn phải trải qua một thủ tục khác là xác định, kiểm tra lại sổ sách vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp do số vốn này được cộng vào tổng tài sản của SCIC và được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu của SCIC.

Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu, thủ tục về cơ bản không quá phức tạp vì bản chất vẫn là chuyển giao từ cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý về cơ quan đầu tư và kinh doanh vốn cũng do Nhà nước quản lý. Tiến trình này nhanh hay chậm, phụ thuộc vào ý chí và mức độ sẵn sàng của bên bàn giao.

“Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu bao gồm 9 quyền, đặc biệt trong đó có quyền về bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh và quyền quyết định các vấn đề đầu tư tài chính”, ông Hiếu cho biết và khẳng định rằng đây chính là những yếu tố gắn với quyền lợi của đơn vị có quyền quản lý vốn nhà nước, nên mới có sự chần chừ, chậm trễ.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính đã thẳng thắn chỉ ra lý do các bộ và địa phương chưa nhanh chóng tiến hành chuyển giao vốn:  Cũng có tình trạng doanh nghiệp muốn chuyển nhưng cơ quan đại diện chủ sở hữu là bộ, là địa phương không muốn chuyển vì không muốn mất đi quyền, mất đi chân rết của mình, vì vẫn muốn níu giữ lợi ích riêng cho mình. "Có thể thấy vẫn còn sự luyến tiếc về đơn vị mà mình đã quản lý dẫn đến một số cơ quan ngại bàn giao và lấy nhiều lý do khác nhau để trì hoãn, như việc giữ lại doanh nghiệp để quản lý ngành"- ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Nêu đích danh người đứng đầu nếu "chần chừ "

SCIC hiện cũng là một thành viên của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước. Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, Ủy ban cần có trách nhiệm đôn đốc việc chuyển giao vốn về SCIC. Khi vốn nhà nước được quản lý tập trung và chuyên nghiệp, chắc chắn hiệu quả đạt được sẽ cao hơn. “Nay, các bộ đã không còn quản lý doanh nghiệp vì đã bàn giao phần lớn vốn nhà nước về Ủy ban. Do đó các bộ nên sớm thực hiện trách nhiệm chuyển giao phần vốn của các doanh nghiệp về SCIC để tránh bị quy trách nhiệm cũng như cho rằng chậm trễ để níu kéo quyền lợi”, ông Lưu Bích Hồ nói.

“Nơi nào chậm trễ, cần chỉ tên đích danh để Thủ tướng Chính phủ có căn cứ xử lý trách nhiệm người đứng đầu”, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước là 62 doanh nghiệp tại 6 bộ và 16 địa phương, với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).

Tuy nhiên, theo báo cáo của SCIC, lũy kế từ 17/8/2017 (ngày ban hành QĐ 1232) đến 30/11/2018, SCIC mới chỉ tiếp nhận được 29 doanh nghiệp (năm 2017 tiếp nhận 21 doanh nghiệp, năm 2018 tiếp nhận 8 doanh nghiệp), chưa bằng 50% so với con số cần chuyển giao. Có thể kể tên các doanh nghiệp chậm chuyển giao về SCIC như Tổng công Thép Việt Nam với giá trị 6.300 tỷ đồng, Tổng công ty Licogi, Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam...

Các doanh nghiệp chưa chuyển giao thuộc các bộ và UBND tỉnh quản lý gồm: Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải; tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh. Nếu căn cứ theo Nghị định 147/2017/NĐ-CP, trong đó quy định rõ về đối tượng, trình tự và thời hạn chuyển giao, thì hiện vẫn có hàng trăm doanh nghiệp chưa được chuyển giao về SCIC.

Chậm chuyển giao sẽ làm chậm tiến trình cổ phần hóa

Theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội, việc chuyển giao doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC là chuyển việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang phân tán ở các bộ ngành gây yếu kém nhiều năm qua về SCIC. Chậm chuyển giao là làm cho công tác chỉ đạo của Đảng, Nhà nước bị ảnh hưởng. Cần phải quyết liệt, phải quy trách nhiệm cho người đứng đẩu, đây là chủ trương lớn. Chậm chuyển giao sẽ làm chậm lại nỗ lực thúc đẩy tiến trình CPH. Còn chậm nhận thì thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm, sẽ tác động không tốt tới quản lý Nhà nước.

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đối với các doanh nghiệp Chính phủ đã cho phép các Bộ/UBND tỉnh bán vốn nhưng quá trình triển khai gặp khó khăn vướng mắc, không đảm bảo đúng tiến độ thì các Bộ/UBND tỉnh chuyển giao cho SCIC để thực hiện bán. Các doanh nghiệp sau khi được bàn giao về SCIC sẽ được phân loại để quản lý; thực hiện tái cơ cấu, xử lý tồn tại, nâng cao quản trị, hiệu quả hoạt động và lựa chọn thời điểm thích hợp để triển khai bán vốn mang lại hiệu quả.

Sau khi vấn đề này được đề cập, đã có một số chuyển biến tích cực được ghi nhận, như mới đây Bộ Công Thương đã thực hiện chuyển giao Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chuyển giao Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) về SCIC.

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng: Cần thống nhất nhận thức về lợi ích của việc chuyển giao đối với tổng thể nền kinh tế, không phải vì quyền quản lý doanh nghiệp của Bộ, địa phương hay của UBQLV nhà nước tại doanh nghiệp hay SCIC. Các bên chuyển giao và nhận chuyển giao cần tích cực và nỗ lực trong việc chuyển giao doanh nghiệp, thực hiện đúng tiến độ chuyển giao doanh nghiệp theo kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Minh Phương/Báo Tin tức
Hơn 2.674 tỷ đồng vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may chuyển về SCIC quản lý
Hơn 2.674 tỷ đồng vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may chuyển về SCIC quản lý

Ngày 23/11, Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về SCIC.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN