TP Hồ Chí Minh: Sức mua tăng, vận chuyển quá tải dịp cận Tết

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết hiện được các doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ với giá cả ổn định. Tuy nhiên, khâu vận chuyển hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong những ngày cao điểm cuối năm.

Chú thích ảnh
Các siêu thị đang đón lượng khách lớn đến mua sắm hàng hóa Tết. 

Liên tục bị hủy đơn

Liên tục bị lùi và thậm chí hủy đơn hàng, chị Mai Hồng Thúy, chủ cửa hàng quần áo trẻ em Hồng Thúy trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ba ngày qua, chị không thể đặt đơn hàng đến các quận ngoại thành như huyện Hóc Môn, Nhà Bè hay thành phố Thủ Đức. Nguyên nhân là các tài xế từ chối nhận đơn do quá tải. Trước cao điểm Tết, cửa hàng thường lên khoảng 50 - 60 đơn mỗi ngày, nhưng hiện tại số lượng đơn tăng lên 100-150 đơn/ngày, trong khi chỉ khoảng 30 - 40% được giao đến khách, phần còn lại bị hủy hoặc giao chậm.

“Do khó đặt đơn đến các quận, huyện xa trung tâm, tôi buộc phải huy động bạn bè và người thân hỗ trợ vận chuyển. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, cửa hàng vẫn khó giao đúng hẹn vì giao thông ở các quận trung tâm rất đông đúc, thường xuyên ùn tắc kéo dài”, chị Hồng Thúy bày tỏ.

Tương tự, bà Nguyễn Ngọc Điệp, đồng sáng lập thương hiệu Alluvia Chocolate cho biết, trong tuần qua, các đơn hàng qua đơn vị vận chuyển bị chậm trễ và phải chờ rất lâu so với bình thường. “Mùa kinh doanh Tết mang lại doanh thu cao nhất trong năm, nhưng việc vận chuyển chậm khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Với thời tiết nắng nóng hiện nay, sôcôla giao chậm dễ bị chảy, ảnh hưởng đến chất lượng”, bà Ngọc Điệp chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, từ ngày 16/1/2025 (17 tháng Chạp năm 2024), Công ty TNHH VINAHE, chuyên cung cấp các sản phẩm điều chế biến tại Bình Phước đã ngưng nhận đơn hàng vận chuyển đi các tỉnh xa, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc VINAHE lý giải rằng, nếu nhận đơn hàng nhưng không giao được, việc hàng bị trả lại sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, bao gồm chi phí vận chuyển hai chiều và rủi ro hư hỏng hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Hoàng Đạt, hiện nay doanh nghiệp chỉ nhận đơn hàng trong phạm vi cự li gần như nội tỉnh hoặc TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều địa phương phía Bắc đã tạm ngưng nhận đơn. Trước đây, thời gian vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh chỉ mất khoảng 2-3 ngày, nhưng vào thời điểm này, thời gian giao hàng kéo dài đến 6 - 8 ngày, thậm chí khách vẫn chưa nhận được. Điều này khiến nhiều khách hàng lo lắng, liên tục nhắn tin và gọi điện phản ánh, nhưng doanh nghiệp không thể xử lý khác hơn.

Chú thích ảnh
Các đơn vị vận chuyển bước vào cao điểm vận chuyển hàng hóa Tết. Hiện nay, sức mua tăng khiến đơn hàng vận chuyển cũng tăng cao.

 Lo ngại tăng giá vì kẹt xe

Hiện nay, tại các hệ thống siêu thị, sức mua tăng cao kéo theo nhu cầu giao hàng tận nhà cũng gia tăng mạnh mẽ. Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, nguồn cung hàng hóa tại hệ thống đang được đảm bảo, với các nhóm hàng thực phẩm công nghệ và phi thực phẩm được đưa về và dự trữ tại các điểm bán. Tuy nhiên, với nhóm hàng tươi sống, việc xử lý và đóng gói trực tiếp tại điểm bán khiến nhóm này có nguy cơ tăng giá hoặc thiếu hụt cục bộ nếu xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

“Chúng ta khuyến khích mua sắm qua thương mại điện tử, nhưng khi nhu cầu giao hàng tăng cao, người giao hàng gặp khó khăn, thậm chí bị xử phạt vì các thùng hàng gắn phía sau xe. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó trong việc vận chuyển, dù sức mua vẫn tăng”, ông Lê Trường Sơn chia sẻ.

Tương tự, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết, lượng đặt hàng Tết năm nay tăng khoảng 30% so với năm trước, tập trung vào các giỏ quà trà và cà phê. Từ giữa tháng 12/2024, các nhà máy của Phúc Sinh đã hoạt động hết công suất để đáp ứng đơn hàng. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông cận Tết khiến nhiều đơn hàng liên tỉnh không thể giao đúng hẹn, buộc doanh nghiệp phải từ chối nhận thêm đơn.

“Các đơn vị vận chuyển thông báo sẽ nghỉ Tết từ ngày 28 tháng Chạp (27/1). Trong tình hình hiện nay, chúng tôi phải cân nhắc kỹ trước khi nhận đơn giao liên tỉnh để tránh trễ hẹn với khách. Không chỉ gặp khó về tiến độ, giá cước vận chuyển cũng đã tăng khoảng 30% so với bình thường”, ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Chú thích ảnh
Các đơn hàng giao hàng tận nhà tăng cao khiến các nhân viên giao hàng phải làm việc hết công suất.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho hay, đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ tại các kho chứa và các xe container gắn điện lạnh quanh chợ, đảm bảo bổ sung kịp thời khi nguồn cung thiếu hụt. Trong đó, mặt hàng thịt heo dự kiến đạt đỉnh trong hai ngày cao điểm 26 - 27 tháng Chạp, với lượng heo về chợ tăng 100%, tương đương 10.000 - 11.000 con/đêm.

“Tuy nhiên, nếu nguồn heo nóng từ các lò giết mổ không được vận chuyển thông suốt, bị kẹt xe hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá thịt sẽ khó giữ ổn định. Tình trạng ách tắc giao thông cận Tết khiến các tiểu thương phải chịu thêm chi phí vận chuyển và tăng thời gian trữ hàng, gây áp lực lớn trong việc bình ổn giá,” ông Lê Hoàng Phong lo ngại.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, việc các đơn vị vận chuyển từ chối nhận đơn hàng vào dịp cận Tết đã trở thành vấn đề lặp lại hàng năm. Nhiều nhân viên giao hàng nghỉ Tết sớm khiến các công ty giao nhận thiếu nhân lực, phải điều chỉnh thời gian nhận đơn để tránh vi phạm hợp đồng. Tình trạng này ảnh hưởng mạnh đến các cửa hàng kinh doanh online nhỏ lẻ hoặc doanh nghiệp nhỏ không ký kết dài hạn với đơn vị vận chuyển, trong khi các doanh nghiệp lớn gần như không bị ảnh hưởng.

“Sở đã triển khai các phương án sản xuất và cung ứng nhằm đảm bảo không thiếu hàng, không gián đoạn hoặc tồn ứ hàng hóa do ùn tắc giao thông. Đồng thời, Sở tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu, liên kết ngân hàng- doanh nghiệp và dự trữ hàng hóa Tết để đảm bảo giá cả ổn định xuyên suốt mùa Tết”, ông Phương chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các hãng vận chuyển đều thông báo sẽ tạm ngưng hoạt động từ ngày 27/1/2025 (28 Tết) đến ngày 30/1/2025 (mùng Ba Tết). Cụ thể, Shopee Express – đơn vị vận chuyển của Shopee – sẽ nghỉ từ ngày 27/1/2025 và hoạt động lại từ ngày 1/2/2025 (mùng 4 Tết). Đơn vị này khuyến cáo khách hàng nên đặt hàng và thanh toán trước ngày 25/1/2025 để đảm bảo nhận hàng trước Tết.

Tương tự, Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) thông báo nghỉ từ ngày 27/1/2025 đến 1/2/2025 và sẽ trở lại hoạt động vào ngày 2/2/2025 (mùng Năm Tết). Theo GHTK, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các đơn hàng hẹn lấy trước 12 giờ ngày 26/1/2025 sẽ được xử lý hoàn tất trước kỳ nghỉ lễ. Ở 61 tỉnh thành khác, các đơn hàng cần được hẹn lấy trước 16 giờ ngày 25/1/2025. Đối với đơn hàng nội miền, khách cần đặt lịch lấy trước 12 giờ ngày 25/1/2025, còn đơn liên miền phải đặt lịch trước 12 giờ ngày 23/1/2025.

Giao Hàng Nhanh (GHN) và J&T Express dự kiến ngưng nhận hàng từ ngày 28/1/2025 (29 Tết) đến hết ngày 1/2/2025. GHN sẽ hoạt động trở lại từ 9 giờ ngày 2/2/2025. Trong khi đó, Grab Express vẫn duy trì các dịch vụ giao hàng không gián đoạn, nhưng thời gian giao hàng có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng tài xế và nhu cầu trong dịp Tết.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Chở hàng Tết ra đảo Lý Sơn
Chở hàng Tết ra đảo Lý Sơn

Những ngày này, tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở nên nhộn nhịp hơn khi các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Tỵ 2025, như: Hoa cúc, quất cảnh, nhu yếu phẩm,... đang hối hả lên tàu ra đảo Lý Sơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN