TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực kéo sức mua khi người dân tiết kiệm chi tiêu

Theo các doanh nghiệp, mặc dù chương trình giảm giá, kích cầu mua sắm Shopping Season (mùa mua sắm) ở TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ giữa tháng 6, nhưng sức mua vẫn không tăng cao như kỳ vọng.

Chú thích ảnh
Thu nhập của người dân sụt giảm nên ngày càng tiết kiệm chi tiêu, chỉ mua các sản phẩm cần thiết. 

Người dân thắt chặt chi tiêu

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình khuyến mãi tập trung năm nay ước khoảng gần 10.000 thương nhân tham gia, được kỳ vọng giúp doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm với giá cả phải chăng. 

Ngay khi Sở phát động chương trình, hàng loạt DN thuộc các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ đã rầm rộ hưởng ứng, trong đó có DN giảm giá sản phẩm đến 60%. Hệ thống siêu thị Co.opmart tổ chức 2 đợt giảm giá mạnh, gồm chương trình “Gia đình Việt đại sứ xanh” từ ngày 13/6 - 3/7, giảm giá đến 50% cho 2.100 sản phẩm thân thiện môi trường và chương trình “Lễ hội hàng nhãn riêng Co.op” từ ngày 4 - 17/7, với hơn 1.000 sản phẩm giảm giá đến 50%, hoặc chỉ còn 5.000 đồng/sản phẩm.

Chú thích ảnh
Khách hàng có thể chọn mua nhiều mặt hàng đồng giá 5.000 đồng nhân dịp sinh nhật hệ thống Saigon Co.op. 

Mặc dù các chương trình khuyến mãi diễn ra ở quy mô lớn và DN cũng mạnh tay giảm giá, nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại các siêu thị, chợ truyền thống, không phải mặt hàng nào cũng thu hút người tiêu dùng. Thực tế, vào nhưng ngày cuối tuần, tại nhiều hệ thống siêu thị, lượng khách vẫn không tăng cao, khiến sức mua cũng không đạt như kỳ vọng. 

Chị Lê Hồng Vân (ngụ ở thành phố Thủ Đức) cho biết, mỗi khi chuẩn bị đi siêu thị, chị thường tìm hiểu xem những sản phẩm nào đang được giảm giá để chọn mua. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, thu nhập gia đình sụt giảm, nên chi tiêu phải cắt giảm. Vì vậy, khi đi siêu thị, chị chỉ chọn mua các sản phẩm cần thiết và không để ý tới các mặt hàng khác, dù đang được khuyến mãi, giảm giá sâu. 

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp nông sản áp dụng nhiều chương trình để tăng sức mua tại các siêu thị. 

Dưới góc độ doanh nghiệp tham gia đợt khuyến mãi tập trung, ông Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Cây hoa Tân Mỹ cho biết, đơn vị áp dụng các chương giảm giá sản phẩm ở các siêu thị lớn, nhưng không được người tiêu dùng quan tâm. Từ đầu tháng 6 đến nay, doanh số của doanh nghiệp chỉ tăng vài phần trăm. Ví dụ, bình quân mỗi tháng đơn vị bán ra khoảng 10 tấn bưởi da xanh trên toàn hệ thống siêu thị Co.opmart, thì nay, khi đã giảm giá, mức bán ra vẫn y nguyên.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), có tới 64% DN ở Thành phố cho biết, họ gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Trong đó, 50% DN gặp khó khăn do thiếu các đơn hàng mới và 29% DN gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 16% DN gặp khó khăn do thiếu vốn kinh doanh. Vì vậy, DN đang phải tính toán lại các chi phí, bao gồm cả lương cho người lao động.

Tăng thu nhập cho người dân

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nếu DN vẫn áp dụng tăng kích cầu bằng cách giảm giá, mà người tiêu dùng không có nhu cầu mua sắm, thì cũng không thể thúc đẩy tăng trưởng, tăng sức mua. Điều quan trọng nhất hiện nay không phải là trực tiếp kích cầu các mặt hàng, mà là có các giải pháp hỗ trợ. Điển hình như giải pháp phục hồi thị trường bất động sản, tạo công ăn việc làm ổn định, giữ ổn định lãi suất ngân hàng và giá vàng, ngoại tệ của Chính phủ trong thời gian qua.

Chú thích ảnh
Sức mua của các siêu thị không tăng theo kỳ vọng dù đã áp dụng các chương trình khuyến mãi. 

Theo TS Nguyễn Văn Hiến, Trường đại học Tài chính, Marketing: DN sản xuất, kinh doanh muốn cải thiện được sức mua, trước hết phải tăng thu nhập cho người dân, giữ ổn định mặt bằng giá cả. Bên cạnh đó, phải tạo điểm nhấn cho các đợt khuyến mãi, thay vì làm dàn trải, chỉ nên làm một đợt với quy mô lớn và truyền thông mạnh mẽ, để đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ phân tích, hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưu tiên giá trị hơn giá cả khi mua sắm hàng hóa. Do đó, các nhãn hàng, doanh nghiệp cần có chiến lược mới để tiếp cận khách hàng tốt hơn, bởi việc chạy đua khuyến mãi không phải là cách để phát triển lâu dài.

"Trong thời gian tới, để kích cầu tiêu dùng, kéo sức mua tăng trở lại, các doanh nghiệp cần có kế hoạch tiết giảm chi phí, giữ giá thành để kích cầu và nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục gắn kết chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp, nhà phân phối, giữ cho giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng ổn định nhưng chất lượng cao. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo chương trình khuyến mãi, ưu đãi ở cả kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử, cũng như tăng cường tiện ích để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân mua sắm, tiêu dùng... ở mọi lúc, mọi nơi khi cần", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm. 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Khai trương Siêu thị đồ lưu niệm Thế vận hội 2024 lớn nhất Paris
Khai trương Siêu thị đồ lưu niệm Thế vận hội 2024 lớn nhất Paris

Trung tâm mua sắm mới này rộng 1000 m2, cung cấp hơn 1.000 mặt hàng lưu niệm mang tính biểu tượng và độc quyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN