Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, từ khi thành lập đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại NHCSXH có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25,82%. Tính đến ngày 30/9, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại NHCSXH đạt 169.036 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cuối năm 2016, với gần 8,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng 23,2% tổng dư nợ; cho vay hộ cận nghèo chiếm 17,7%; cho vay hộ thoát nghèo chiếm 11,5%.
Trong ảnh: Phát triển cây trồng nhờ vốn tín dụng chính sách. Ảnh: Quang Duy/TTXVN. |
Dư nợ tập trung chủ yếu ở một số chương trình tín dụng chính sách lớn như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ nghèo về nhà ở.
“Sau gần 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động; giúp hơn 3,4 triệu lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn... đóng góp quan trọng cho việc thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”, ông Lợi nói.
Đề cập về hiệu quả và định hướng của tín dụng chính sách của ngành ngân hàng trong thời gian tới, bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ NHCSXH trong việc huy động vốn, vay tái cấp vốn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH theo quy định; kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát tổng thể chính sách giảm nghèo để điều chỉnh phù hợp, bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững; hoàn chỉnh khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp tín dụng hỗ trợ, bảo đảm nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác theo quy định.
“Thời gian tới, NHNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cân đối, phân bổ nguồn vốn kịp thời để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng; triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác giảm nghèo, đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với hoạt động tín dụng chính sách”, bà Giang đề xuất.
ThS.Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện chiến lược ngân hàng cũng đưa ra giải pháp tăng cường mối liên kết hữu cơ giữa tiết kiệm và tín dụng với các mức lãi suất đặt ra phù hợp với các mức lãi suất phổ biến của thị trường, nhằm xây dựng và duy trì các chương trình tín dụng bền vững lâu dài.
Đối với các dự án tín dụng đơn giản (là những chương trình chỉ cung ứng tín dụng đơn thuần, mà không sử dụng tới biện pháp xã hội hóa), nghiên cứu sử dụng các công cụ sáng tạo khác biệt để tối thiểu hóa chi phí giao dịch và mất vốn nhằm duy trì được khả năng tự chủ về tài chính.