“Bộ Tài chính rất quan tâm tới điều hành ngân sách nên cơ cấu ngân sách Trung ương tính đến ngày 23/4 cũng đã đạt 262.769 tỷ đồng, chiếm 32,4% dự toán”, ông Cao Anh Tuấn nói.
Năm nay, toàn ngành thuế phấn đấu hoàn thành vượt tối thiểu 5% nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2019 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 1.168.100 tỷ đồng; trong đó, thu từ dầu thô là 44.600 tỷ đồng và thu nội địa là 1.123.500 tỷ đồng.
Ngoài các yếu tố thuận lợi khách quan, thu nội địa đạt khá còn bởi những tháng đầu năm nay, ngành thuế đã tập trung vào công tác thu, đặc biệt chỉ đạo chống thất thu; triển khai sơ bộ kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019 theo các quyết định của Tổng cục Thuế về thanh tra, kiểm tra.
Cụ thể: Các đơn vị thuế được yêu cầu thanh tra, kiểm tra tối thiểu phải đạt 19% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động nhằm tăng cường chống thất thu; đồng thời triển khai hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nâng cao năng lực của cán bộ thanh tra, kiểm tra.
Trong 3 tháng đầu năm nay, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 8.089 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 9,28% so với kế hoạch năm 2019, với tổng số xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 6.333 tỷ đồng. Qua đó, cơ quan thuế đã kiến nghị tăng thu hơn 1.786 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 247,3 tỷ đồng; giảm lỗ (chủ yếu là chuyển giá) là 4.299,6 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 842,1 tỷ đồng, đạt 47% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
“Việc kiểm tra tập trung chủ yếu tại trụ sở quan thuế. Cụ thể: Có 61.425 hồ sơ của người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế đã được cán bộ thuế kiểm tra, qua đó điều chỉnh số thuế lên thêm 69 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế là 61 tỷ đồng, giảm lỗ 4 tỷ đồng. Qua kiểm tra, cán bộ thuế cũng đã rà soát hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đã phát hiện sai sót, ẩn lậu của người nộp thuế để điều chỉnh tăng số thuế kê khai, hoặc ấn định số thuế”, ông Cao Anh Tuấn nói.
Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, từ nay đến hết quý II/2019, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các vụ, đơn vị trực thuộc, các cục thuế địa phương phải theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình quản lý nợ và đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế. “Tổng cục Thuế đã yêu cầu các đơn vị tiến hành tổng hợp, phân tính cơ cấu nợ thuế, phân loại nợ, xác định nguyên nhân nợ tăng, thông báo danh sách doanh nghiệp nợ thuế tại thời điểm 31/3/2019 phải áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế để các cục thuế thực hiện đôn đốc, cưỡng chế nợ và công khai thông tin doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế”, đại diện Tổng cục Thuế nói.
Theo ông Cao Anh Tuấn, hiện Bộ Tài chính đã phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa Luật Quản lý thuế sửa đổi và sẽ được trình vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2019. Trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều điểm liên quan tới trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp với cơ quan thuế quản lý thuế, chống thất thu, đặc biệt là thương mại điện tử và chống chuyển giá.
Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tập trung triển khai từ thông tư đến quy trình, giải pháp kỹ thuật để thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử, trong đó áp dụng hóa đơn điện tử đối với các hộ kinh doanh xuyên biên giới mà xuất hóa đơn vào nội địa. Cùng với cơ chế chính sách, cơ quan thuế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh có dấu hiệu rủi ro.