Vào lúc 14 giờ 30 phút chiều nay (7/9) giá vàng giao ngay vẫn giữ ở mức 1.917,50 USD/ounce. Trong khi, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1%, xuống còn 1.942,20 USD/ounce.
Đồng bạc xanh đã leo lên mức cao nhất tính từ ngày 16/3 và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng sau khi dữ liệu ngành dịch vụ Mỹ được công bố cho thấy kết quả mạnh hơn dự kiến.
Tại cường quốc lớn nhất thế giới, áp lực lạm phát vẫn còn tương đối lớn. Giám đốc điều hành OCBC, Christopher Wong, nhận định mặc dù nhiều ý kiến cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất chu trình thắt chặt tiền tệ hiện tại, nhưng chưa có bất cứ chắc chắn nào về triển vọng lãi suất trong tương lai.
Chuyên gia Wong nói giá vàng có thể tiếp tục nằm ở ngưỡng thấp cho đến khi chính sách xoay trục ôn hòa của Fed xuất hiện. Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, Susan Collins, ngày 6/9, kêu gọi Fed thực hiện các bước chính sách tiền tệ tiếp theo một cách cẩn trọng, đồng thời khẳng định các dữ liệu mới cho thấy hiệu quả của chính sách tiền tệ trong việc kiềm chế đà tăng của lạm phát.
Báo cáo của Fed ngày 6/9 cho biết tăng trưởng kinh tế của Mỹ ở mức khiêm tốn, trong bối cảnh thị trường lao động hạ nhiệt và áp lực lạm phát chậm lại trong tháng Bảy và tháng Tám.
Một số nhà hoạch định chính sách toàn cầu dự báo tốc độ tăng trưởng yếu đi của Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới, sẽ khiến nhu cầu đối với vàng sụt giảm.
Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này, trong tháng 8/2023, đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 7,3%.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,5% xuống còn 23,08 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,4% xuống 905,36 USD/ounce và giá palladium giảm 1,1% xuống 1.201,73 USD/ounce.
Tại Việt Nam, trong chiều 7/9, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,95 - 68,55 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).