Theo đó, tại thành phố Cần Thơ, giá lúa giảm từ 100 - 200 đồng/kg. Cụ thể, lúa jamine khô ở mức 6.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 4218 là 6.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.
Tại tỉnh Sóc Trăng, riêng OM6976 giảm 200 đồng/kg còn 6.950 đồng/kg còn các loại lúa khác như: RVT, OM4900, Đài thơm 8, ST24 giữ ổn định so với tuần trước.
Tại Tiền Giang giá lúa vẫn có sự ổn định IR50404 là 6.900 đồng/kg, OM4900 là 7.000 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi trên địa bàn giảm từ 100 - 300 đồng/kg như: IR50404 từ 4.800 - 5.200 đồng/kg, OM 5451 từ 5.400 - 5.500 đồng/kg, OM18 từ 6.000 - 6.100 đồng/kg. Một số loại vẫn giữ ổn định như: lúa Nhật từ 7.500 - 7.600 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 6.000 - 6.200 đồng/kg…
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang vẫn có sự ổn định. Giá gạo Nhật là 17.000 đồng/kg; nếp từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, Jasmine từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, Hương Lài 17.000 đồng/kg, gạo thường từ 11.500 - 12.000 đồng/kg…
Để đảm bảo sản xuất và tiêu thụ lúa, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đã đề nghị các huyện chỉ đạo, tổ chức thu hoạch lúa vụ Hè Thu đảm bảo phòng, chống dịch; tiếp tục chỉ đạo xuống giống vụ Thu Đông; nghiên cứu, đề xuất thành lập các tổ thu hoạch, thu mua, lưu ý đảm bảo an toàn phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ lực lượng tham gia tổ.
Trước tình trạng nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TC-TTg nên gặp khó khăn về nhân lực thu hoạch lúa, Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các Sở đề xuất với các tỉnh, thành phố nên thành lập các tổ máy gặt liên hợp. Các tổ máy này sẽ hoạt động và được di chuyển đến các vùng thu hoạch, tránh việc phải huy động đông người để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương họp với doanh nghiệp để thu mua, lưu trữ tại địa phương trong điều kiện di chuyển, vận chuyển khó khăn nhằm bảo thu mua cho nông dân. Các địa phương cần tạo điều kiện và tổ chức thu hoạch tập trung, giám sát, phân luồng phương tiện cơ giới hoạt động thu hoạch thuận lợi.
Cùng chung xu thế với giá lúa gạo trong nước, giá gạo trên thị trường gạo châu Á cũng tiếp tục đi xuống. Giá gạo xuất khẩu tại Thái Lan trong tuần qua giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua do thiếu người mua và đồng baht suy yếu.
Phiên cuối tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam (loại 5% tấm) chỉ chào bán với giá từ 400 - 404 USD/tấn trong khi thời điểm giữa tháng 5/2021, được chào bán với giá từ 513 - 517 USD/tấn, tức là đã giảm trên 110 USD/tấn. Thậm chí, trong phiên giao dịch ngày 29/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn 390 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Trong khi đó, giá gạo đồ, 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ vẫn ở mức từ 383 - 387 USD/tấn trong tuần này, mức thấp nhất trong 16 tháng qua.
Còn vào ngày 29/7 vừa qua, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức 385- 408 USD/tấn, từ mức tương ứng 395- 410 USD/tấn của tuần trước đó, ghi dấu mức thấp nhất kể từ tháng 7/2019.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Bangladesh có thể nhập khẩu tới 1,8 triệu tấn gạo trong năm 2021, mức cao nhất trong 4 năm. Trước đó, nước này đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 6/2021, mức cao nhất trong ba năm. Bangladesh đang nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi liên tiếp hứng chịu các trận lũ lụt vào năm ngoái, phá huỷ mùa màng và đẩy giá gạo lên mức cao kỷ lục.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ hầu hết đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/7, dẫn đầu là đậu tương, do xu hướng chốt lời vào cuối tháng. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) lưu ý rằng, khối lượng giao dịch trong phiên này rất hạn chế.
Cụ thể, chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 11,25 xu Mỹ (2,02%) xuống 5,4525 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 mất 1,5 xu Mỹ (0,21%) xuống 7,0375 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 giảm mạnh nhất 28,5 xu Mỹ (2,07%), xuống còn 13,4925 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Thời tiết nóng và khô tại Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng ngô và đậu tương dự kiến. Tổng khối lượng ngũ cốc trên thế giới bị "bốc hơi" trong năm 2021 sẽ sớm vượt quá con số 47 triệu tấn của năm 2020. Sản lượng ngô của Brazil, lúa mỳ của Nga đồng loạt giảm và đợt hạn hán nghiêm trọng ở Canada sẽ hỗ trợ thị trường nông sản Mỹ đi lên.
Giá ngô Brazil đạt mức cao kỷ lục 8,50 USD/ bushel trước khi quay đầu giảm do hoạt động chốt lời trước cuối tuần. Sản lượng ngô của Brazil hiện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu ngô của Brazil trong niên vụ này khó có thể vượt qua mức 20 triệu tấn. Trong niên vụ 2019-2020, Brazil đã xuất khẩu 36,25 triệu tấn ngô.
Khoảng 36% diện tích trồng ngô và 31% diện tích trồng đậu tương của Mỹ đang trong tình trạng khô hạn. Nếu không có mưa lớn trong hai tuần tới, AgResource dự báo tình trạng hạn hán sẽ ảnh hưởng tới 40 - 43% sản lượng ngô của Mỹ.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/7, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London tiếp tục sụt giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 9/2021 mất 99 USD/tấn, xuống 1.786 USD/tấn. Còn giá cà phê Robusta giao tháng 11/2021 cũng giảm 99 USD/tấn, còn 1.801 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ tư liên tiếp. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 giảm 16,95 xu Mỹ/lb, xuống mức 179,55 xu/lb, còn loại giao tháng 12/2021 giảm 16,85 xu/lb, xuống còn 182,45 xu/lb (1lb = 0,4535 kg).
Giá cà phê kỳ hạn tiếp tục sụt giảm khi dự báo thời tiết lạnh đổ bộ vào miền Nam Brazil vào cuối tuần khó có khả năng gây ra sương giá, khiến các nhà đầu tư trên cả hai sàn đẩy mạnh thanh lý, tiếp tục chốt lời ngắn hạn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020/21 lên 175,8 triệu bao, tăng 300.000 bao so với ước tính vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ tiếp theo dự kiến giảm đáng kể, do quốc gia này đang trải qua chu kỳ sản lượng thấp của cà phê Arabica và ảnh hưởng bởi lượng mưa dưới mức trung bình.
Hiện nay, việc thiếu hụt container và không có chỗ trống chứa hàng trên tàu biển là tình trạng chung của các nhà xuất khẩu cà phê không chỉ ở Đông Nam Á, trong khi dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể mới đang bùng phát ở khu vực này. Tuy nhiên, các thị trường tiêu dùng cũng không quá lo vì đang trong kỳ nghỉ mùa hè nên hoạt động của ngành công nghiệp rang xay cà phê cũng chậm lại.