Thị trường hàng hóa thế giới ‘đỏ lửa’, kéo chỉ số MXV-Index rơi về 2.160 điểm

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết lực bán tiếp tục áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày cuối tháng 4. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm hơn 1,6% về mức 2.160 điểm.

Chú thích ảnh

Trên thị trường năng lượng, những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung cùng với những thông tin không mấy tích cực về sức khỏe nền kinh tế Mỹ đã đẩy giá các mặt hàng trong nhóm giảm mạnh. Trong khi đó, thị trường nguyên liệu công nghiệp gây chú ý khi giá cà phê tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục.

Giá dầu WTI đánh mất mốc 60 USD/thùng

Sắc đỏ tiếp tục phủ bóng lên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giá hai mặt hàng dầu thô nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung ngày càng gia tăng, đồng thời các chỉ số kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu kém tích cực.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 1,34%, xuống còn 63,12 USD/thùng. Đáng chú ý, dầu WTI đã mất mốc 60 USD/thùng, lùi về 58,21 USD/thùng, lao dốc 3,66%. Đây cũng là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ tháng 3/2021.

 

Chú thích ảnh

Tâm điểm chú ý của thị trường hiện tập trung vào cuộc họp 8 quốc gia thành viên OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 5/5, nhằm quyết định mức sản lượng cho tháng 6. Các thông tin lan truyền trên thị trường hiện nay đều nghiêng về khả năng OPEC+ sẽ tiếp tục tăng mạnh sản lượng, tương tự như quyết định đã được đưa ra trong tháng 5.

Mặt khác, trong ngày hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố báo cáo sơ bộ về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I, làm dấy lên những lo ngại mới về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, GDP Mỹ đã giảm 0,3% trong quý vừa qua - mức giảm đầu tiên kể từ quý I/2022 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,4% của quý cuối năm 2024. Nguyên nhân chính được xác định là do nhập khẩu tăng vọt tới 41,3% khi các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh mua hàng trước thời điểm các mức thuế mới có hiệu lực, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn đã cắt 4,83% khỏi GDP của Mỹ.

Trước đó, loạt chỉ số kinh tế then chốt công bố ngày 29/4 cũng cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa. Chỉ số cơ hội việc làm mới JOLTS tháng 3, chỉ số niềm tin tiêu dùng CB tháng 4 và cán cân thương mại tháng 3 đều rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, càng củng cố lo ngại về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Cũng trong ngày hôm qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 25/4 đã giảm mạnh 2,7 triệu thùng, xuống còn 440,4 triệu thùng. Con số này trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng khoảng 400.000 thùng của thị trường và mức tăng 3,76 triệu thùng do Viện Dầu mỏ Mỹ (API) đưa ra trước đó. Diễn biến này phần nào giúp kìm hãm đà giảm giá dầu trong bối cảnh thị trường chịu áp lực lớn từ các yếu tố vĩ mô.

Ở chiều ngược lại, chính phủ Mỹ tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran, ngay trước thềm vòng đàm phán mới giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt đối với bảy thực thể bị cáo buộc buôn bán các sản phẩm dầu mỏ và hóa dầu của Iran. Tuy nhiên, trong một diễn biến ngược lại, Ukraine đã xác nhận rằng họ sẽ ký một thỏa thuận chia sẻ tài nguyên mới với Mỹ. Điều này được cho là tiến triển tích cực hướng tới sự kết thúc cho cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này.

Giá cà phê quay đầu tăng

Chú thích ảnh

Khép lại phiên giao dịch hôm qua, thị trường cà phê tiếp tục trở thành điểm sáng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp khi nguồn cung cà phê tiếp tục hạn chế. Khép lại phiên giao dịch ngày 30/4, giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 7 trên sàn New York tăng nhẹ 0,24%, lên mức 8.835 USD/tấn. Trong khi đó, cà phê Robusta hợp đồng tháng 7 trên sàn London ghi nhận mức tăng 1,34%, đạt 5.369 USD/tấn.

Hai mặt hàng cà phê tiếp tục duy trì mặt bằng giá cao kỷ lục, chủ yếu là do thông tin cơ bản cho thấy nguồn cung Arabica vẫn còn hạn chế. Theo ghi nhận của MXV, xuất khẩu trung bình hàng ngày cà phê chưa rang (Arabica và Conillon) của Brazil trong tháng 4 đạt khoảng 7.920 tấn, giảm 26,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với cà phê rang, chiết xuất và các sản phẩm liên quan, xuất khẩu trung bình hàng ngày trong tháng 4 đạt khoảng 941 tấn, giảm 6% so với trung bình tháng 4/2024.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong ngắn hạn nhờ nguồn cung trong nước dồi dào. Tuy nhiên, về dài hạn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể đối mặt với nhiều thách thức khi nguồn cung nội địa dự kiến sẽ suy giảm vào cuối vụ thu hoạch.

Lượng cà phê Arabica chế biến ướt (certified washed Arabica) được chứng nhận và lưu trữ trên sàn New York trong ngày 30/4 tăng thêm 1.057 bao loại 60kg, tương đương mức tăng 0,13%, lên 813.668 bao. Trong đó, 752.591 bao được lưu trữ tại châu Âu, chiếm 92,5% tổng lượng tồn kho, còn lại 61.077 bao lưu trữ tại Mỹ. Đáng chú ý, 452.520 bao, tương đương 55,6% lượng cà phê đăng ký là Arabica Brazil. Lượng cà phê đang chờ phân loại vào ngày 1/5 là 83.416 bao.

Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên ngày 30/4 được ghi nhận ở mức trung bình 130.800 đồng/kg, không thay đổi so với phiên trước. Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk và Đắk Nông cùng đạt 130.800 đồng/kg, Gia Lai 130.700 đồng/kg và Lâm Đồng 130.200 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Reuters: Trung Quốc lập danh sách hàng hóa Mỹ được miễn thuế 125%
Reuters: Trung Quốc lập danh sách hàng hóa Mỹ được miễn thuế 125%

Trung Quốc đã lập một danh sách các sản phẩm sản xuất tại Mỹ sẽ được miễn mức thuế 125% và đang âm thầm thông báo cho các công ty về chính sách này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN