Giá vàng “neo” gần mức thấp của 6 tháng
Trong khi đó các thị trường chờ đợi số liệu kinh tế Mỹ để tìm kiếm manh mối về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang (Fed).
Khoảng 14 giờ 38 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay nhích nhẹ 0,1% lên 1.876,80 USD/ounce, sau khi giảm 1,4%, mức giảm lớn nhất tính theo ngày kể từ tháng 7/2023 hôm 27/9. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.894,10 USD/ounce.
Số liệu ngày 27/9 cho thấy đơn đặt hàng hàng hóa bền vững của Mỹ đã tăng trong tháng 8/2023 và chi tiêu của doanh nghiệp cho thiết bị đã lấy lại đà tăng.
Đồng USD chạm mức cao của 10 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác, trong khi lợi suất trái phiếu tăng lên mức cao của 16 năm do các nhà đầu tư đặt cược nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nước khác trong bối cảnh lãi suất cao.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari ngày 27/9 cho hay vẫn chưa rõ liệu Fed đã hoàn thành việc tăng lãi suất hay chưa giữa lúc có nhiều bằng chứng về thể trạng nền kinh tế.
Thị trường hiện đang hướng sự chú ý vào số liệu tăng trưởng GDP quý II/2023 của Mỹ và báo cáo việc làm, công bố vào cuối ngày hôm nay, cùng với chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) hôm 29/9.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 22,55 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,3% lên 890,10 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,4% lên 1.226,99 USD/ounce.
Lúc 16 giờ 31 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giữ nguyên giá vàng so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 68,15 - 68,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Nguồn cung thắt chặt đẩy giá dầu tăng
Cùng ngày, giá dầu Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm do dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm làm gia tăng lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt sau thêm sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 85 xu Mỹ lên 94,53 USD/thùng, sau khi đã có lúc tăng trên 95 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022 lúc đầu phiên. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 78 xu Mỹ (0,8%) lên 97,33 USD/thùng, sau khi chạm mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 11/2023.
Số liệu chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 2,2 triệu thùng trong tuần trước xuống 416,3 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 320.000 thùng mà các nhà phân tích của Reuters dự báo.
Các kho dự trữ dầu thô ở Cushing, Oklahoma, kho trung chuyển dầu chính của Mỹ, đã giảm khoảng 943.000 thùng trong tuần này xuống còn chưa đến 22 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022.
Sự sụt giảm này diễn ra sau thỏa thuận cắt giảm 1,3 triệu thùng dầu/ngày cho đến cuối năm nay của OPEC+, trong đó có Nga và Saudi Arabia. Nhóm này sẽ nhóm họp vào ngày 4/10 tới để đánh giá về thị trường.
Chứng khoán châu Á đi xuống
Các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 28/9, trong đó chứng khoán Tokyo sụt giảm do các nhà đầu tư vẫn còn quan ngại việc Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Chỉ số Nikkei 225 giảm 499,38 điểm (1,54%) xuống 31.872,52 điểm. Thị trường Nhật Bản nới rộng xu hướng giảm do nhóm cổ phiếu công nghệ khá nhạy cảm với với chu kỳ kinh tế của Mỹ và chịu sức ép từ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,36% (238,84 điểm) xuống 17.373,03 điểm do nhà đầu tư vẫn quan ngại về "gã khổng lồ" bất động sản ngập trong nợ Evergrande, sau khi cổ phiếu của tập đoàn này một lần nữa bị đình chỉ giao dịch. Còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,10% (3,16 điểm) lên 3.110,48 điểm.
Trong số nhóm cổ phiếu lớn, giá cổ phiếu của Sony giảm 1,45% xuống 12.225 yen/cổ phiếu sau khi công ty này thông báo nhà lãnh đạo Jum Ryan nghỉ hưu sau 30 năm.
Giá cổ phiếu của Mitsubishi Motors tăng 3,17% lên 669,9 yen/cổ phiếu sau báo cáo cho thấy công ty này lên kế hoạch rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,42 điểm xuống còn 1.152.43 điểm; HNX-Index giảm 1,34 điểm xuống còn 234,5 điểm.