Theo đó, thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao; thị trường EU đã chuyển hướng tăng trưởng tích cực từ tháng 7/2018... Những yếu tố trên đã tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu và giá phi lê tăng cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, ngày 14/9/2018, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công bố dự thảo công nhận tương đương đối với Việt Nam để xin ý kiến công chúng trước khi công nhận chính thức.
Ngày 10/9/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam là 0,0 - 2,39 USD/kg so với POR13 là 0,69 - 7,74 USD/kg.
Để thanh thủ cơ hội và thị trường thuận lợi, duy trì chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu cá tra Việt Nam và hạn chế thấp nhất các rào cản kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Theo đó, các địa phương cần tập trung quản lý chặt chẽ điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm cá tra theo quy định; đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển nuôi cá tra theo hướng liên kết chuỗi giá trị để ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào và chất lượng con giống; tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến cá tra. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu, sản xuất giống cá tra chất lượng cao; đồng thời thực hiện tốt Đề án giống cá tra 3 cấp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Các địa phương cũng cần thực hiện tốt việc quản lý sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc theo quy định; tiếp tục phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong chế biến, xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra đã gặp phải một số khó khăn như: chất lượng va giá cá giống không ổn định, người dân tự phát đào ao ương ngoài quy hoạch, áp lực của chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ... Tuy nhiên, với sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, nên các khó khăn đã được tháo gỡ kịp thời.
Tính đến ngày 30/9/2018, tổng diện tích thả nuôi đạt 4.471 ha (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017), tổng sản lượng thu hoạch đạt 942.000 tấn (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái); giá trị xuất khẩu đạt 1,68 tỷ USD (tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái).