Sau những thông tin này, thị trường chứng khoán trong nước có phản ứng tiêu, nhưng lực cầu bắt đáy đã xuất hiện quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm đã “kìm” bớt được đà giảm. Theo giới phân tích, lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Dù vậy, các công ty có tỷ trọng tiền mặt lớn, nợ vay thấp sẽ có lợi thế trong tình hình hiện nay.
Nhóm ngành nào thu hút dòng tiền?
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với ảnh hưởng tăng lãi suất của Fed, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã công bố nâng các mức lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi lên thêm 1%.
Như vậy, với việc đồng VND vẫn giữ giá khá tốt khi nền kinh tế duy trì tăng trưởng thì các công ty có tỷ trọng tiền mặt lớn, nợ vay thấp, sẽ có lợi thế trong tình hình hiện nay; trong đó, nhóm doanh nghiệp dầu khí nhiều công ty luôn duy trì tỷ trọng tài sản ngắn hạn, tiền mặt ở mức cao so với vốn hóa, bên cạnh những kỳ vọng mới về Luật Dầu khí, dự án lô B Ô Môn được triển khai sẽ giúp cổ phiếu dầu khí tăng tích cực hơn so với thị trường chung. Đồng thời, nhóm bảo hiểm cũng được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, Fed là cơ quan có sức ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu, vì đồng USD được dự trữ đa số tại các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và được lưu thông trong các hoạt động thương mại.
Do đó, chính sách tiền tệ của Fed sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương khác. Thực tế, hầu hết các ngân hàng trung ương đều phải tăng lãi suất theo mức độ tăng lãi suất của Fed.
Chúng ta có thể thấy rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau một thời gian cố gắng duy trì mức điều hành ổn định hợp lý đã tiến hành tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động cũng như là lãi suất trên hệ thống liên ngân hàng cũng đã có xu hướng tăng. Thực tế cho thấy, Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự thận trọng trong chính sách điều hành tiền tệ, hạn chế tăng trưởng tín dụng trong suốt quý II và kiên định quan điểm tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 14%.
Tất cả các động thái của Ngân hàng Nhà nước đã tác động dần đến thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Do đó, động thái tăng lãi suất mới nhất của Ngân hàng Nhà nước càng cho thấy thông điệp mạnh mẽ, kiên định đặt mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Cụ thể 2 yếu tố là lạm phát và tỷ giá hối đoái sẽ được điều hành chặt chẽ và ổn định trong thời gian tới.
“Tôi cho rằng, lãi suất còn có thể tiếp tục tăng nữa. Lãi suất huy động và cho vay có khả năng tăng 0,3 - 0,5% nữa tùy kỳ hạn đối với lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thương mại. Bởi trên thực tế, lãi suất tại Mỹ tăng thì Việt Nam cũng phải tăng theo”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng, động lực của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn rất mạnh. Động lực tăng trưởng của Việt Nam đến từ tiêu dùng, đầu tư khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn sau COVID-19.
Hơn nữa, việc tăng lãi suất của Việt Nam sẽ không mạnh như các ngân hàng trung ương khác. Cùng đó, áp lực lạm phát hiện nay không quá nhiều, lạm phát tháng 8 chỉ tăng 0,05% so với tháng 7 và tăng 3,6% so với đầu năm. Nhìn chung năm nay lạm phát vẫn giữ ở mức độ quanh 4%, đảm bảo yêu cầu điều hành ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước. “Theo tôi đây là đợt nâng lãi suất cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia này, khi lãi suất tăng thì đa phần các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lợi tiêu cực, trừ lĩnh vực bảo hiểm sẽ hưởng lợi. Thực tế, phiên cuối tuần qua (23/9), cổ phiếu doanh nghiệp bảo hiểm có diễn biến rất tích cực, đi ngược lại so với thị trường chung. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ ghi nhận tích cực hơn từ quý IV/2022.
Lãi suất tăng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng chịu ảnh hưởng xấu. Những doanh nghiệp thừa tiền mặt đem gửi ngân hàng có lợi thế lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy, vay nợ quá nhiều sẽ chịu ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp bất động sản hay huy động trái phiếu nhiều cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới.
Chuyên gia từ MBS cho biết, từ tuần sau, thị trường trong nước sẽ đón nhận các thông tin vĩ mô và báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá hết sức tích cực khi nền so sánh cùng kỳ thấp. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động xung quanh ngưỡng 1.200 điểm trước khi hồi phục sau loạt dữ liệu vĩ mô quý III/2022.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), tuần sau là tuần chốt NAV (giá trị tài sản thuần) quý III/2022, qua đó tổng kết đánh giá tương quan diễn biến giá cổ phiếu và tình hình doanh nghiệp, hiệu quả đầu tư, cũng như những kỳ vọng mới, tiềm năng mới trong qúy IV/2022.
SHS cũng thống kê, nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tiêu cực nhất trong tuần qua với mức giảm 4,1% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ việc giá dầu thế giới tiếp tục sụt giảm. Có thể kể đến các mã tiêu biểu như: PLX giảm 4,9%, BSR giảm 3%, PVD giảm 2,6%, PVS giảm 1,9%...
Tiếp theo là nhóm trụ cột của thị trường là ngân hàng cũng giảm khá mạnh với 3,9% giá trị vốn hóa, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn sự điều chỉnh trên thị trường. Có thể kể đến các cổ phiếu như: VPB giảm 5,4%, TCB giảm 4,9%, VCB giảm 4,1%, CTG giảm 4%, MBB giảm 3,4%, SHB giảm 3,6%, BID giảm 2,5%, ACB giảm 2,2%...
Cổ phiếu nguyên vật liệu cũng giảm khá mạnh với 3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự sụt giảm của cổ phiếu hóa chất với GVR giảm 4,9%, PHR giảm 4,3%, DPM giảm 4,2%, DGC giảm 3,6%, DCM giảm 0,9% ...
Các ngành còn lại đều giảm tương đối như tài chính giảm 2,3%, công nghiệp giảm 1,6%, dược phẩm và y tế giảm 1%, hàng tiêu dùng giảm 0,8%, công nghệ thông tin giảm 0,5%...
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 365,85 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, VND là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 6,5 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là KDH với 5,3 triệu cổ phiếu và FUEVFVND với 4,9 triệu chứng chỉ quỹ. Ở chiều ngược lại, HPG là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 11,8 triệu cổ phiếu.
Kết thúc tuần giao dịch từ 19 - 23/9, VN-Index giảm 30,75 điểm xuống 1.203,28 điểm. HNX-Index cũng giảm 8,44 điểm xuống 264,44 điểm.
Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 6,3% so với tuần trước đó xuống 60.535 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng xấp xỉ tuần trước là 2.406 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 10,5% so với tuần trước đó xuống 6.579 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giảm 5,5% xuống 317 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán toàn cầu lao dốc
Không riêng gì chứng khoán Việt Nam, tuần qua, chứng khoán toàn cầu lao dốc sau loạt quyết định tăng lãi suất. Phiên ngày 23/9, toàn bộ các chỉ số chính ở thị trường chứng khoán Mỹ, Canada và châu Âu đều ngập trong sắc đỏ, do giới đầu tư lo ngại kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái sau một loạt quyết định tăng mạnh lãi suất của ngân hàng trung ương các nước.
Trên thị trường Phố Wall, cả 3 chỉ số chính tiếp tục xu hướng lao dốc của các phiên giao dịch trước đó khi chỉ số Dow Jones giảm 1,6% xuống còn 29.590,41 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,7% xuống 3.693,23 điểm và chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất 1,8% xuống 10.867,93 điểm.
Tính trong cả tuần, các chỉ số này lần lượt để mất 4%, 4,6% và 5,1% giá trị. Hiện chỉ số Dow Jones đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, trong khi chỉ số S&P 500 tiệm cận mức đáy thiết lập hôm 17/6 vừa qua.
Tại Canada, làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư cũng khiến chỉ số chứng khoán tổng hợp S&P/TSX của nước này giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/9.
Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết chỉ số S&P/TSX giảm 2,75%, đóng cửa ở mức 18.480 điểm. Đây à mức thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 7/2022.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu cũng phản ứng tiêu cực trước làn sóng tăng mạnh lãi suất của các ngân hàng trung ương sau quyết định tăng 75 điểm cơ bản lần 3 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 21/9.
Cụ thể, chỉ số EURO STOXX 50 giảm 2,3% về 3.348,60 điểm; chỉ số FTSE 100 của Anh và DAX của Đức cùng giảm 2%, lùi về 7.018,60 điểm và 12.284,19 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 2,3% xuống còn 5.783,14 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch 23/9, do xu hướng bán tháo gia tăng.