Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 16/6, VN-Index giảm 1,75 điểm xuống 1.115,2 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 22.425,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 170 mã tăng giá, 258 mã giảm giá và 54 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,09 điểm xuống 228,44 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 153 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.456,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 85 mã tăng giá, 109 mã giảm giá và 56 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,07 điểm lên 84,62 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 127 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.138 tỷ đồng. Toàn sàn có 179 mã tăng giá, 187 mã giảm giá và 110 mã đứng giá.
Như vậy, thanh khoản toàn thị trường hôm nay đạt tới hơn 26.019 tỷ đồng, tương ứng hơn 1 tỷ USD tính theo tỷ giá hôm nay.
Nhóm cổ phiếu dầu khí hôm nay chỉ còn 2 mã tăng giá và 1 mã đứng ở tham chiếu. Tất cả các cổ phiếu dầu khí còn lại ở chiều giảm giá. Cùng đó, thị trường chịu áp lực giảm giá của nhóm bất động sản. Cã mã VHM, VRE, NVL, PDR ở chiều giá đỏ. Thậm chí nhiều mã giảm sàn như DTA, ITA, PIV, PVR, BII... Thêm vào đó, nhóm xây dựng và vật liệu chìm trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán thường có diễn biến tăng khi thị trường giao dịch sôi động. Hôm nay cũng không phải là ngoại lệ khi cổ phiếu ngành chứng khoán đồng loạt tăng mạnh.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm chỉ còn 2 mã giảm là BVH và PGI. Tất cả 10 mã cổ phiếu ngành bảo hiểm còn lại đều ở chiều giá tăng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Điểm tích cực nữa là khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng khá mạnh. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 466 tỷ đồng trên HOSE, trong khi bán ròng hơn 30 tỷ đồng trên HNX và 23,67 tỷ đồng trên UPCOM.
Các mã được mua ròng mạnh nhất trong phiên hôm nay là VND, đạt hơn 268,6 tỷ đồng. Tiếp đến là HPG, đạt hơn 158,1 tỷ đồng mua ròng và STB gần 129 tỷ đồng.
Liên quan đến thông tin có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước đã có các quyết định điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 19/6.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại
Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Như vậy, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 4.