Tại sự kiện, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình cho biết, việc huy động vốn phụ thuộc vào môi trường kinh tế và thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc nhu cầu của doanh nghiệp có đang cần vốn, có khả năng hấp thụ và sử dụng vốn hay không.
Năm 2022 và đầu năm 2023 chứng kiến khó khăn của môi trường vĩ mô của thị trường quốc tế nói chung và thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam nói riêng. Cùng đó, nhiều yếu tố khiến cho huy động vốn của doanh nghiệp khó khăn, ví dụ như mặt bằng lãi suất cao, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất cơ bản, nhưng vẫn duy trì ở mức cao.
Bên cạnh đó, các kênh huy động như trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tâm lý của nhà đầu tư còn “dè dặt”, thể hiện ở việc thanh khoản thấp hơn rất nhiều so với thời gian bùng nổ của thị trường năm 2021. Mặc dù thanh khoản có khởi sắc trong khoảng 1 tháng gần đây nhưng vẫn ở mức thấp, chứng tỏ môi trường vĩ mô chưa hỗ trợ cho các đợt phát hành của doanh nghiệp. Về nội tại của doanh nghiệp cũng đang khó khăn, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn chưa thực sự mạnh mẽ.
Bà Bình cũng cho biết, những biến động, biến số khó lường trên thị trường giai đoạn qua chính là kinh nghiệm lớn cho nhà đầu tư, nhưng cũng giúp cho cơ quản quản lý trong việc điều hành sao cho thị trường có thể chống chọi được sức ép từ yếu tố khách quan, nhưng vẫn đồng thời phải đảm bảo thị trường vẫn phát triển bền vững.
Đó là mục tiêu của cơ quan quản lý, theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2030, sau khi lấy ý kiến bộ ngành thì Chiến lược này đã ở trên bàn Thủ tướng, bà Bình cho biết.
Một trong những ý tưởng quan trọng của chiến lược này là phát triển bền vững, tức không quá chú trọng đi vào tăng trưởng về số lượng và quy mô, mà đi sâu các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu trước các biến động.
Theo bà Tạ Thanh Bình, về cơ bản vẫn dựa trên 4 trụ cột chính, một trong đó là quản trị công ty. Để thị trường chứng khoán tốt thì cần doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng tốt. Đó là lý do tại sao việc nâng cao chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng hướng đến thông lệ tốt về môi trường - quản trị - xã hội (ESG) là vấn đề hướng đến, tạo nền tảng doanh nghiệp đạt chất lượng không ở thị trường Việt Nam mà tiếp cận được cả thị trường vốn quốc tế.
Bà Bình cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang nỗ lực để tạo sản phẩm tốt hơn. Chẳng hạn, nói về phái sinh, một trong những lý do khiến thị trường này biến động mạnh là do số lượng sản phẩm phái sinh cũng đang còn quá ít, chỉ có mỗi một sản phẩm. Bởi vậy, khi nhà đầu tư quan tâm quá mức cho một sản phẩm nên việc giao dịch sản phẩm này có phần hơi thái quá.
Theo bà Bình, một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới đây đó là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cố gắng triển khai ngay các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh, như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong tương lai gần, tiếp tục là hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, sau đó tiến tới hợp đồng quyền chọn như thông lệ trên thế giới.
Để hỗ trợ cho tất cả việc này, cơ quan quản lý sẽ sớm đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX), hệ thống này không chỉ hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới mà còn hỗ trợ cho cơ quan quản lý trong giám sát thị trường dựa trên ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin.
Theo bà Bình, tháng 7 tới sẽ vận hành thị trường thứ cấp trái phiếu riêng lẻ, kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ được nút thắt trên thị trường này. Khi thị trường này vận hành thì vai trò các công ty chứng khoán thành viên rất quan trọng trong việc kiểm soát hiệu quả các nhà đầu tư khi tham gia đúng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang tích cực trong việc sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Trong nghị định này có quy định rõ các điều kiện, hồ sơ, thủ tục và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cố gắng chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động chào bán theo hướng giảm thủ tục hành chính và làm rõ các nội dung trong hồ sơ để doanh có thể tiếp cận và thực hiện hồ sơ nhanh gọn, thuận lợi nhất.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường chứng khoán luôn là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và kinh tế thị trường càng mở sâu thì vai trò của thị trường chứng khoán càng lớn.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 năm trở lại đây, đó là bức tranh sáng tối rất rõ rệt. Ở mảng sáng có thể kể đến số lượng tài khoản mở mới thành công vang dội. Tiêu chí đặt ra đến năm 2025 chỉ là 5% dân số thì hiện tại đã đạt đến 7%. Quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, thậm chí có những thời điểm chỉ 1 phiên giao dịch lên tới 40 – 50 nghìn tỷ đồng.
Về mảng tối, sang đầu năm 2022, câu chuyện trở nên xấu hơn, do sau khủng hoảng COVID-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine, bên cạnh đó những vấn đề trong nước về trái phiếu doanh nghiệp, các sự kiện thao túng thị trường. Những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến cùng một lúc đã khiến thị trường chịu áp lực giảm điểm rất lớn.
Đến năm 2023, thị trường đang phát triển một cách bền vững. Điều này là do các nhà đầu tư tham gia thị trường tăng lên; trong đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ là rất mạnh mẽ. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam thì nhà đầu tư nhỏ lẻ là rất quan trọng, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 năm trở lại đây cũng rất mạnh mẽ đã tạo ra nguồn lực trong dân, nguồn lực này nếu chuyển đến thị trường chứng khoán thì sẽ là động lực lớn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu thị trường theo 4 trụ cột và thị trường sẽ hưởng lợi từ điều này. Trong một thế giới đầy biến động thì Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ môi trường đầu tư ổn định. Cùng đó, Chính phủ đã nhận diện tất cả những rủi ro của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đang triển khai rất quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng GDP, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.
Ông Tiến cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển bền vững. Tuy nhiên, các doanh nghiệp niêm yết cũng cần phải xác định rằng, đã là doanh nghiệp thì mục tiêu là làm kinh doanh, chứ không phải lên sàn để thao túng, làm giá cổ phiếu. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính và nỗ lực kinh doanh thì sẽ gặt hái được kết quả vì thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ ngày càng tốt hơn, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nên tham gia niêm yết và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý, thực sự trở thành doanh nghiệp vì mình, vì thị trường chứng khoán và nhà đầu tư. Như vậy, thị trường chứng khoán cũng sẽ mang trở lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, ông Tiến nhìn nhận.