Tấp nập thương lái mua gom vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang

Gần 1 tuần nay, khi bước vào vụ thu hoạch vải thiều, tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) mỗi ngày có hàng nghìn tấn vải thiều được thu hoạch. Năm nay, không chỉ có các thương lái mà nhiều siêu thị cũng ký hợp đồng để thu mua gom vải với số lượng lớn.

 

Nông dân chở vải bằng xe máy đưa ra các điểm chợ trên địa bàn bán cho các lái buôn.

Vừa bán được 1,5 tạ vải, anh Tạ Minh Liên, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam chia sẻ: “Nếu như năm ngoái, gia đình tôi bị mất trắng thì năm nay sản lượng vải đạt 10 tấn. Quả vải năm nay mẫu mã đẹp nên tôi mong giá bán được cao. Tôi vừa bán 2 tạ vải với mức giá 20.000 đồng/kg, còn quả xấu thì họ đang trả từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, tùy loại”.

Ông Nguyễn Văn Dương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bày tỏ: Năm nay nhiều hộ gia đình được mùa vải. Năm ngoái, sản lượng thu hoạch của gia đình chỉ đạt từ 1- 1,4 tấn quả thì năm nay cỡ 7 tấn. Với giá thu mua vải tại địa phương khoảng 8.000-20.000 đồng/kg thì nông dân cũng chấp nhận được, chứ bán thấp hơn thì bà con lo lắm.

"Tôi rất mong muốn chính quyền, hợp tác xã có thêm điểm thu mua để tạo điều kiện cho các hộ nông dân có nhiều điểm bán. Vì đã thu hoạch thì phải bán vải ngay trong ngày, không để lâu được”, ông Nguyễn Văn Dương nói.

Hiện giá vải thiều sớm đầu vụ có giá bán cao nhất từ 30.000- 45.000 đồng/kg; vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Tân Yên 22.000 đồng/kg; bình quân khoảng 13.000-15.000 đồng/kg; cá biệt có loại giá dưới 10.000 đồng/kg, rơi vào những quả mã xấu, nhỏ, bị sâu cuống.

Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Bắc Giang cho hay: Sản lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang tiêu thụ bình quân khoảng 1.200 tấn/ngày; lũy kế từ đầu vụ đã tiêu thụ khoảng trên 9.000 tấn, giá trị thu được ước đạt 170 tỷ đồng. Tại huyện Tân Yên, Lục Ngạn đã có một diện tích nhỏ vải chín sớm cho thu hoạch, mức giá năm nay tuy có giảm so với năm ngoái nhưng đầu mùa giá vải loại 1 vẫn lên đến 35.000- 40.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 25.000 đồng/kg, còn loại xấu cũng đạt 15.000- 20.000 đồng/kg.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, một cán bộ của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay: Ngay từ đầu vụ vải thiều sớm, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 60 thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua vải thiều, với hơn 40 điểm cân hoạt động liên tục. Vào thời điểm chính vụ hoạt động thu mua vải thiều khá sôi động với hàng nghìn điểm cân và trên 1.000 thương nhân, trong đó có trên 300 thương nhân nước ngoài thường xuyên có mặt tại các địa phương thu mua vải thiều.

Đơn cử tại Hợp tác xã sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang (Lục Ngạn), cơ sở thu mua và xuất khẩu vải thiều. Hợp tác xã có 19 thành viên, chuyên thu mua, sơ chế đóng gói vải để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Đông– Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: “Quy trình sản xuất tại hợp tác xã rất chặt chẽ, quả vải từ các vườn để được thu mua tại đây phải được giám sát rất chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap”.

Một số hộ gia đình có điều kiện tại chợ Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng mở điểm thu mua vải số lượng lớn để bán cho thương lái.

Theo ông Đông, đối với các loại vải xuất khẩu đi nước ngoài, khi được mang tới hợp tác xã ngay lập tức được đưa lên các băng chuyền tự động để loại bỏ những trái không đủ tiêu chuẩn. Vải đủ tiêu chuẩn được đưa vào sơ chế. Có 2 công đoạn sơ chế: tiên là sơ chế bằng hỗn hợp gồm nước sạch và axit hữu cơ ở nồng độ thấp sau đó sơ chế bằng hơi nước nóng bão hoà ở nhiệt độ ngoài 40 độ để loại bỏ bụi bẩn, côn trùng và nấm mốc. Sau đó, vải được đem đi đóng gói. Trong quá trình đóng gói, những quả vải hỏng hoặc không đảm bảo chất lượng tiếp tục bị loại bỏ. Vải sau khi đóng gói được đưa vào kho lạnh, bảo quản ở nhiệt độ 4 tới 5 độ C (sao cho lạnh vào tận hạt) trước khi được đưa lên xe mang đi các địa phương trong và ngoài nước. “Năm nay, ước tính sẽ xuất khẩu được khoảng 500 tấn vải, với giá thành 50.000 đồng/1kg”, ông Đông nói.

Thống kê của UBND huyện Lục Ngạn cho hay: Đến nay, vải thiều Lục Ngạn đã nhận được nhiều đơn hàng lớn của các siêu thị, doanh nghiệp trong nước như: Saigon Co.op mart ký hợp đồng tiêu thụ 500 tấn vải; Fivimart cam kết thu mua 500 tấn; Hapro thu mua 500- 1.000 tấn để xuất sang Malaysia. Công ty Đồng Giao (Ninh Bình) đăng ký thu mua 2.000 tấn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Lãnh đạo huyện vừa cùng đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang tham gia xúc tiến tiêu thụ vải tại thị trấn Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc). Sau khi trao đổi, hai bên đã thống nhất phía Quảng Tây sẽ cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu vải Việt Nam một mã vạch sản xuất riêng, thể hiện đầy đủ tên sản phẩm, tên doanh nghiệp nên quy định mới của nước bạn sẽ không gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

“Đặc biệt, hải quan hai phía đều cam kết sẽ làm việc với phương châm hết hàng mới nghỉ, tạo điều kiện cho quả vải được thông quan một cách thuận lợi nhất. Vải thiều sẽ có luồng đi riêng để về bến bãi tập kết một cách nhanh nhất”, lãnh đạo huyện Lục Ngạn nói.

Các xe ô tô chở vải đi các nơi tiêu thụ, khiến các đoạn đường chạy qua địa phận các xã của huyện Lục Ngạn có thời điểm bị ùn tắc.

“Hiện thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 50% tổng sản lượng, tiêu thụ rộng khắp toàn quốc, trong đó, chủ yếu tại các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… và các tỉnh phía Nam. Thị trường xuất khẩu chiếm khoảng 50% tổng sản lượng, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chính và truyền thống; ngoài ra tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường sang các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia..”, ông Bình nói.



M.Phương-L.Phú-T.Lâm
Nhộn nhịp mua bán vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang
Nhộn nhịp mua bán vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang

Những ngày đầu tháng 6, dù chưa vào chính vụ vải nhưng con đường ngang qua huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ngập tràn sắc đỏ, xe chở vải tắc nghẽn cả đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN