Tiêu thụ xe điện chậm lại, sự bùng nổ nhu cầu tiêu thụ đồng có thể diễn ra chậm hơn
Nhờ đặc tính dẫn điện và dẫn nhiệt vượt trội, đồng được coi là kim loại quan trọng trong tương lai bởi sự trỗi dậy của kỷ nguyên năng lượng sạch và làn sóng xe điện. Giới chuyên gia nhận định kim loại này có thể bước vào “siêu chu kỳ tăng giá” nhờ thế giới dịch chuyển sang nền kinh tế xanh.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới đã có sự thay đổi đáng kể sau quá trình vật lộn với đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị kéo dài. Những “cú sốc” này đã đẩy nền kinh tế toàn cầu lao dốc và rơi vào một cuộc suy thoái ngắn. Do đó, ưu tiên phục hồi kinh tế đã tạm thời làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế xanh và tiến trình chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng sạch, điển hình là tiêu thụ xe điện. Xe điện được coi là công nghệ chủ chốt để loại bỏ khí cacbon trong vận tải đường bộ, lĩnh vực chiếm hơn 15% lượng khí thải liên quan đến năng lượng toàn cầu.
Theo một nghiên cứu của BloombergNEF, do thách thức về kinh tế làm hạn chế nhu cầu mua xe điện, kết hợp với sự thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng sạc, tăng trưởng xe điện toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay, ở mức 22%. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng hơn 30% của năm 2023.
Đáng chú ý, tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới chiếm thị phần khoảng 60%, giới chuyên gia dự báo doanh số bán xe điện tại nước này chỉ tăng 25% lên 11 triệu chiếc vào năm 2024. Mức tăng trưởng này chậm hơn đáng kể so với mức 36% của năm 2023 và mức 96% năm 2022 - năm cuối cùng chính phủ Trung Quốc đưa ra trợ cấp quốc gia cho xe điện.
Trong khi đó, đồng vốn là vật liệu quan trọng để sản xuất xe điện. Do vậy, tăng trưởng xe điện chậm lại có thể hạn chế sự bùng nổ tiêu thụ đồng trong ngắn hạn và cản trở đà tăng giá trong năm nay.
Giá đồng khó giảm mạnh do nguồn cung có thể thâm hụt nặng
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định dù siêu chu kỳ tăng giá có thể diễn ra chậm hơn, nhưng giá đồng khó giảm sâu do thị trường đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt nguồn cung nặng nề.
Vào tháng 11 năm ngoái, mỏ đồng Cobre Panama, một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm, đã bị đóng cửa. Trong khi đó, một loạt các công ty khai thác hàng đầu thế giới là Anglo American, Codelco, Vale và mới đây là Glencore cũng tuyên bố hạ thấp kế hoạch sản xuất đồng trong năm nay và năm tới. Việc mất đi một lượng lớn đồng này có thể đẩy thị trường đồng rơi vào rủi ro thâm hụt nặng.
Dự báo mới nhất của hãng tin Reuters cho biết thị trường đồng tinh chế có thể thâm hụt 24.000 tấn trong năm 2024, trái với dự báo thặng dư 302.500 tấn trong khảo sát tháng 10/2023 là thời điểm mỏ Cobre chưa bị đóng cửa. Ngoài ra, mức thâm hụt cũng được dự báo sẽ tăng lên 115.000 tấn vào năm 2025.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nguồn cung đồng chỉ tăng 3% trong năm 2024, giảm so với ước tính trước đó là 5%. Hơn nữa, thị trường đồng tinh chế dự kiến thiếu hụt 534.000 tấn vào năm 2024, tăng so với mức thâm hụt 155.000 tấn trong dự báo trước.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ cho giá, bức tranh kinh tế toàn cầu đang thoát dần khỏi những áp lực của năm cũ, bài toán lạm phát - tăng lãi suất của năm 2023 đang dần dịch chuyển sang bài toán tăng trưởng - hạ lãi suất. Trong bối cảnh lạm phát xu hướng hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang chuẩn bị dịch chuyển sang chu kỳ nới lỏng tiền tệ, dự kiến rơi vào nửa cuối năm 2024. Đây sẽ là môi trường đầu tư có lợi cho thị trường hàng hóa nói chung và kim loại đồng nói riêng.
"Siêu chu kỳ tăng giá" đồng sẽ sớm diễn ra
Giá đồng có thể bước vào xu hướng tăng mạnh từ năm sau khi mà tăng trưởng xe điện phục hồi cộng hưởng với rủi ro thâm hụt nguồn cung. Cũng theo nghiên cứu của BloombergNEF, tăng trưởng xe điện sẽ chậm lại trong năm 2024 nhưng sẽ phục hồi trong hai năm tiếp theo.
Theo báo cáo của BMI, đơn vị nghiên cứu Fitch Solutions, trong bối cảnh nguồn cung khai thác bị gián đoạn trong khi nhu cầu tăng cao do quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, kết hợp với khả năng đồng USD giảm giá trong nửa cuối năm 2024, giá đồng có thể tăng hơn 75% trong hai năm tới. Báo cáo của Citibank cũng chỉ ra giá đồng có thể tăng lên 15.000 USD/tấn vào năm 2025, cao hơn nhiều so với mức đỉnh kỷ lục 10.730 USD/tấn được thiết lập vào tháng 3/2022.
Nghiên cứu mới của Hiệp hội Đồng Quốc tế (ICA) còn cho biết khi ngành công nghiệp ôtô chuyển trọng tâm sang điện khí hóa và tự động hóa các phương tiện giao thông với lộ trình chung là khử carbon, giảm khí thải, tiết kiệm nhiên liệu, giảm trọng lượng và thu nhỏ kích thước, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu đồng tăng để thay thế cho nhôm và các loại khác và là động lực chính hỗ trợ giá đồng tăng trong dài hạn.
Thêm vào đó, tiêu thụ xe điện được dự báo sẽ tăng mạnh tại các nền kinh tế mới nổi. Các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia đều chứng kiến số lượng xe điện tăng vọt trong những năm gần đây. Riêng tại Việt Nam, nước ta cũng không nằm ngoài xu thế chung của toàn cầu. Quá trình “điện hóa” phương tiện giao thông đang ngày càng mở rộng và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê tan của ngành giao thông vận tải, nước ta đã chứng kiến sự bứt phá về việc sử dụng xe điện khi số lượng tăng vọt từ 138 chiếc vào năm 2019 lên hơn 28.000 xe điện và 3.557 xe hybrid vào tháng 9/2023, cùng với hơn 2 triệu xe máy điện.