Tân Tổng thống có thể mang nền nông nghiệp Argentina quay trở lại thời hoàng kim?

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp của Argentina, quốc gia xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương lớn nhất thế giới đã gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái và thời tiết khắc nghiệt. Sau cuộc bầu cử ngày 19/11, tân Tổng thống Javier Milei được kỳ vọng sẽ giúp nước này vực dậy ngành nông nghiệp đang ngày một sa sút.

Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nông sản

Vào đầu thế kỷ 20, Argentina là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, được kỳ vọng sẽ trở thành cường quốc mới tại khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quốc gia này đã trượt dài do hệ quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Mặc dù vẫn đang được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực Mỹ Latinh, nhưng Argentina đang phải đối mặt với lạm phát lên tới ba con số, dự báo sẽ đạt mức 142,7% trong năm nay. Không chỉ có vậy, thâm hụt ngân sách đang ngày càng tăng, hiện đang được dự báo sẽ đạt 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Từ thời chính quyền Tổng thống Nestor Kirchner (2003 - 2007) cho đến nay, xuất khẩu nông sản dần trở thành nguồn thu chính của chính phủ Argentina. Chính vì thế nên ngành nông nghiệp đóng vai trò là là trụ cột đối với kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát gia tăng và đồng Peso trượt giá.

Với vị thế là nước xuất khẩu ngô, đậu tương và các thành phẩm nằm trong top 3 thế giới, các mặt hàng trên đã đem về cho Argentina doanh thu trên dưới 20 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, giá cả nguyên liệu tăng phi mã, đợt hạn hán kỷ lục năm 2022 và các xung đột địa chính trị vẫn còn tiếp diễn đã khiến cho sản xuất nông nghiệp của Argentina phải đương đầu với nhiều hệ quả nghiêm trọng, khiến nền kinh tế càng lún sâu vào suy thoái.

Chú thích ảnh
Xuất khẩu ngô và khô đậu tương hàng năm của Argentina.

Chính phủ Argentina đang phải vật lộn để thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ 44 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trước mắt, những chính sách hỗ trợ nông dân khôi phục lại sản xuất nông nghiệp sẽ giải tỏa bớt áp lực kinh tế tồi tệ hiện tại và thay đổi hiện trạng tình hình kinh tế của đất nước.

Nông nghiệp vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong “thời kỳ mới”

Được bầu làm tân Tổng thống vào ngày 19/11, người dân kỳ vọng ông Javier Milei sẽ mang đến “làn gió mới” đối với ngành nông nghiệp Argentina.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Milei đã cam kết sẽ bỏ nhiều loại thuế phí của Argentina trong đó có thuế xuất khẩu ngũ cốc. Điều này nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nông dân nước này, một trong những yếu tố then chốt dẫn đến thắng lợi trong chiến dịch bầu cử của ông.

Ở thời điểm hiện tại, Argentina đang đánh thuế xuất khẩu 33% đối với đậu tương, 31% đối với khô đậu và dầu đậu, 12% đối với lúa mì và ngô. Mức thuế “khắc nghiệt” đã khiến biên lợi nhuận của nông dân sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyết định gia tăng sản xuất.

Chú thích ảnh
Mức thuế xuất khẩu các loại nông sản của Argentina.

Bên cạnh việc nới lỏng thuế trong hoạt động xuất khẩu, tân Tổng thống Argentina còn cam kết thực hiện "liệu pháp sốc”, với lời hứa đóng cửa ngân hàng trung ương, cắt giảm chi tiêu và đô la hóa nền kinh tế. Động thái này dự kiến cũng sẽ “đảo lộn” hoạt động thương mại của Argentina.

Doanh nghiệp có thể chờ giá tốt hơn cho các chuyến hàng đầu năm

Mặc dù sẽ còn phải chờ đợi các hành động từ tân Tổng thống, tuy nhiên, ngành nông nghiệp Argentina đang khá lạc quan về tương lai.

Các công ty cho biết phần lớn hoạt động thương mại ngũ cốc ở Argentina đang bị tê liệt do người sản xuất chờ đợi các chính sách tốt hơn của chính quyền ông Milei. Họ lo ngại rằng đô la hóa nền kinh tế sẽ làm đồng Peso mất giá dưới thời tổng thống mới, khiến việc dự trữ hàng hóa là an toàn ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, với hy vọng các chính sách mới sẽ cải thiện doanh thu từ các vụ thu hoạch trong tương lai, nông dân Argentina có thể chi trả nhiều hơn cho hạt giống và các loại chi phí đầu vào khác, kết hợp đẩy mạnh hoạt động gieo trồng. Điều này sẽ khiến nguồn cung từ một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới hồi phục mạnh mẽ, sau nhiều năm phải chống chọi với hạn hán và suy thoái kinh tế.

Với vị thế là đối tác lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua, sự thay đổi của ngành nông nghiệp Argentina dự kiến cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nước ta trong thời gian tới.

Trong năm 2022, Argentina là quốc gia xuất khẩu ngô và khô đậu tương lớn nhất đến Việt Nam, chiếm lần lượt 59% và 58,5% tổng lượng nhập khẩu. Sản lượng hồi phục cùng với những chính sách thúc đẩy xuất khẩu có thể giúp thương mại nông sản giữa hai nước tiếp tục gia tăng.

Chú thích ảnh
Cơ cấu nhập khẩu ngô và khô đậu tương của Việt Nam trong năm 2022.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Nếu ngành nông nghiệp Argentina được hồi sinh nhờ vào chính sách mới từ tân Tổng thống thì các doanh nghiệp nhập khẩu nước ta cũng đỡ phải vật lộn với bài toán đa dạng nguồn cung, thiếu hụt nguồn cung. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể chờ mức giá tốt hơn cho các chuyến hàng đầu năm tới khi các chính sách mới này được thực thi”.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Thị trường nông sản: Giá gạo thế giới liên tục tăng
Thị trường nông sản: Giá gạo thế giới liên tục tăng

Đà tăng giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đã chững lại và tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng đi ngang trong khi giá gạo thế giới đã liên tục được điều chỉnh tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN