Đoạn vỉa hè dài khoảng chục mét trước mặt quán ốc luộc ngày trước lúc nào cũng đông nghịt khách bây giờ thì thênh thang cho người đi bộ.
Nhân viên quán ốc "ngao ngán" đứng đón khách. |
Tại khu vực có quán ốc luộc nổi tiếng ở phố Đinh Liệt, vỉa hè được dẹp "sạch bách", trong khi đó, khách đến quán ăn ốc phải ngồi trong nhà, xe cộ phải đi gửi chỗ khác. Chính điều này đã khiến nhiều thực khách vốn thích "vừa ăn vừa ngắm phố" cảm thấy không thoải mái khi ngồi ăn trong ngôi nhà diện tích có mấy m2.
"Khách hàng giảm đáng kể nên kiểu này phải đề nghị chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh chứ không thì thua lỗ", anh chủ quán ngao ngán nói.
Đây cũng là tình hình chung tại rất nhiều khu vực vỉa hè vốn nổi tiếng với hàng quán ăn uống ở Hà Nội. Tại quán sinh tố trên phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, trước đây hàng chục bộ bàn ghế được bày dọc theo vỉa hè để khách ngồi uống sinh tố "ngắm lá rơi". Nhưng giờ xem ra thú vui này không còn khả thi nữa.
Khảo sát chiều 29/3, nhân viên quán ngồi nghịch điện thoại, không thấy bóng dáng khách nào. Vỉa hè phía trước ô tô đậu, không còn bộ bàn ghế nào được bày ra. Nhân viên này chia sẻ: "Khách không thích ngồi trong nhà vì không gian chật chội. Giá thuê mặt bằng ở đây đắt lắm. Kinh doanh trước thuận lợi vì tận dụng được vỉa hè. Còn bây giờ, nếu không giảm giá thuê mặt bằng được thì chắc không trụ lại để kinh doanh được nữa".
Quán cà phê sinh tố trên phố Ngô Quyền không còn được bày bán ghế ra vỉa hè. Nhân viên ngồi chơi điện thoại. |
Tại cửa hàng đồ thể thao trên phố Lê Trọng Tấn, chủ hàng cho biết giá thuê 12 triệu đồng/tháng. Trước những khó khăn khách quan từ việc thành phố dọn dẹp vỉa hè, anh này cho biết sẽ đề nghị chủ nhà giảm giá thuê, nếu không sẽ phải chuyển đi chỗ khác.
Mặc dù có thói quen "lê la" ăn uống vỉa hè nhưng chị K.Minh cho biết ủng hộ chủ trương dẹp hàng quán lấn chiếm vỉa hè của thành phố. Theo chị Minh, ăn uống vỉa hè khá mất vệ sinh và mất mĩ quan đô thị, đồng thời cũng không đảm bảo an toàn giao thông. "Tôi sẽ tìm đến những hàng quán trong nhà để ăn", chị nói.
Theo giới "cò" môi giới mặt bằng cho thuê ở các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm (Hà Nội), gần đây, khách hỏi thuê thường "chê ỏng chê eo" là nhà không có chỗ để xe, vỉa hè hẹp, mặt nhà cao hơn mặt đường mà không có bậc lên xuống... để yêu cầu chủ nhà giảm giá. Nếu như trước đây, chủ nhà cho thuê thường nắm thế chủ động (vì nhà mặt phố kinh doanh ở trung tâm Hà Nội rất hiếm) thì nay cũng phải nín nhịn trước những yêu cầu của khách.
Một số nhà có ý định cho thuê thì đang tạm thời "án binh bất động" để nghe ngóng các động thái tiếp theo của thành phố. Nếu tình hình quản lý vỉa hè cứ làm "căng" lâu dài thì các hộ kinh doanh sẽ ưu tiên thuê nhà mặt ngõ hơn là mặt phố.
Mấy ngày gần đây, dọc các tuyến phố trung tâm như Nguyễn Chí Thanh, Láng, Minh Khai... xuất hiện nhiều biển "cho thuê cửa hàng", "nhượng lại mặt bằng". Theo tìm hiểu, nguyên nhân là do không còn chỗ đỗ xe, vắng khách, giá thuê cửa hàng cao nên nhiều cửa hàng đành phải "dứt áo ra đi" trả lại mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Nghiên cứu bất động sản JLL tại Việt Nam cho biết, nếu chính sách thắt chặt quản lý kinh doanh vỉa hè được kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bán lẻ.
"Đa phần người dân ở các thành phố vẫn mua bán tại các cửa hàng, cửa hiệu mặt phố vì tính tiện lợi của nó. Nhưng nếu vỉa hè bị quản lý chặt thì việc kinh doanh tại nhà mặt phố sẽ khó khăn hơn. Ngược lại, nó lại tạo cơ hội cho các trung tâm thương mại, khu vực được quy hoạch tốt cho bán lẻ", ông Quang nhận định.