Sắc xanh áp đảo, MXV-Index đạt trên mốc 2.300 điểm

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua mạnh mẽ diễn ra trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong tuần giao dịch tuần vừa qua (13 - 19/1).

Đáng chú ý, thị trường năng lượng thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư, 4 trên 5 mặt hàng đồng loạt tăng tăng giá. Trong đó, dầu thô ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh lo ngại nguồn cung từ Nga bị thu hẹp. Bên cạnh đó, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá mặt hàng ca cao cũng tăng vọt gần 6%. Đóng cửa tuần, chỉ số MXV-Index tăng 1,52% lên mức 2.308 điểm.

Chú thích ảnh

Giá dầu ghi nhận tuần khởi sắc thứ tư

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới tăng hơn 1%, đánh dấu tuần thứ tư tăng liên tiếp. Yếu tố chính hỗ trợ đà tăng của giá dầu là từ lo ngại dòng chảy dầu Nga bị thu hẹp và dữ liệu kinh tế tích cực tại Trung Quốc và Mỹ.

Cụ thể, giá dầu Brent ghi nhận mức tăng 1,29%, đạt 80,8 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng đi lên 1,71%, đạt 77,9 USD/thùng.

Chú thích ảnh

Ngày 10/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào hai tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, 183 tàu lớn thuộc “đội tàu bóng đêm” chuyên xuất khẩu dầu Nga, và các mạng lưới kinh doanh dầu liên quan. Mỹ cũng dỡ bỏ lệnh miễn trừ trừng phạt đối với hoạt động trung gian liên quan đến thanh toán năng lượng tại các ngân hàng Nga. Như vậy, mọi công đoạn trong chuỗi sản xuất và cung ứng dầu Nga đều bị trừng phạt, khiến các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc và Ấn Độ phải đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung thay thế và giá dầu đã “tăng nhiệt” mạnh trước thông tin này.

Cuối tuần qua, ngày 17/1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 17/1 cho biết năm ngoái, GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5%. Tốc độ này vượt dự báo của giới phân tích là 4,9% và đạt mục tiêu của giới chức Trung Quốc tăng trưởng quanh 5%. Sau khi dữ liệu này công bố, thị trường dầu đã được “tiếp sức” nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc sẽ tăng trong thời gian tới.

Về phía Mỹ, lạm phát đang dần hạ nhiệt. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 12 tăng 0,2% so với tháng 11, thấp hơn dự đoán 0,3% của các nhà kinh tế. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 12 tăng 0,4% so với tháng 11, tăng ít hơn dự kiến và phù hợp với ước tính trước đó.

Ngoài ra, giá dầu còn được hưởng lợi từ việc tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/1 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, đạt 412,7 triệu thùng, nhờ việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, rủi ro gián đoạn dòng chảy dầu tại Trung Đông đã giảm bớt, đồng thời cản đà tăng giá của các mặt hàng dầu. Theo đó, hôm thứ Sáu (17/1), Nội các An ninh Israel đã thông qua thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza giữa Israel và Hamas, tổ chức vũ trang được Iran hậu thuẫn. Động thái này có thể khiến Houthi (Yemen), lực lượng được chính quyền Tehran ủng hộ, đình chỉ những cuộc tấn công nhắm vào các tàu hàng hàng đi qua Biển Đỏ.

Thêm vào đó, báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu trong 2 năm tới sẽ chịu sức ép lớn từ việc tăng trưởng sản lượng nguồn cung vượt quá nhu cầu tổng thể, từ đây ghìm lại đà đi lên của giá.

Không chỉ vậy, giá dầu còn chịu áp lực từ sản lượng lọc dầu tại Trung Quốc trong năm 2024 giảm 1,6% so với năm 2023, đạt 708,43 triệu tấn, tương đương 14,1 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển của lĩnh vực xe điện đã thu hẹp nhu cầu tiêu thụ xăng, trong khi khủng hoảng bất động sản kéo dài khiến nhu cầu đối với dầu diesel suy yếu.

Giá ca cao quay lại vùng đỉnh hơn 11.000 USD/tấn

Theo MXV, nhóm nguyên liệu công nghiệp đã trải qua một tuần nhiều biến động khi thị trường đón nhận loạt tin tức về cung - cầu. Tuy nhiên, lực mua áp đảo với 6 trên 9 mặt hàng tăng giá. Trong đó, ca cao dẫn dắt đà tăng của cả nhóm với mức tăng gần 6%.

 

Chú thích ảnh

Tuần trước, mặt hàng ca cao đã đón nhận lực mua mạnh mẽ trong bối cảnh rủi ro thiếu hụt nguồn cung bị đẩy lên cao. Cụ thể, theo dự báo mới nhất của công ty môi giới StoneX, thời tiết khô hạn hơn bình thường ở một số vùng sản xuất ca cao quan trọng sẽ làm giảm sản lượng ca cao toàn cầu, đồng thời khiến tình trạng mất cân bằng cung - cầu trở nên nghiêm trọng hơn trong niên vụ 2024 - 2025. Theo đó, StoneX đã hạ dự báo thặng dư thị trường ca cao xuống còn 41.000 tấn, giảm từ mức thặng dư 166.000 tấn được ước tính vào hồi tháng 10 năm ngoái.

Đồng thời, StoneX đã cắt giảm dự báo sản lượng ca cao ở Ecuador, quốc gia trồng ca cao lớn thứ ba thế giới, xuống còn 470.000 tấn trong niên vụ 2024 - 2025, tương đương giảm 10.000 tấn so với dự báo trước đó, do tình trạng thời tiết khô hạn kéo dài làm giảm sản lượng.

Trong một diễn biến liên quan, các mặt hàng cà phê cũng đón nhận lực mua tích cực trước triển vọng nguồn cung kém lạc quan từ Brazil. Trong đó, giá cà phê Arabica tăng khoảng 1,4% lên mức 328,35 cent/pound (tương đương 7.238 USD/tấn). Giá cà phê Robusta cũng phục hồi trở lại sau tuần giảm trước đó và chinh phục lại mốc 5.000 USD/tấn. Chốt tuần, giá mặt hàng này tăng 0,81% lên mức 5.006 USD/tấn.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát do Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) công bố, sản lượng cà phê của Brazil dự kiến đạt 53,2 triệu bao loại 60 kg vào năm 2025, tương đương giảm 6,8% so với năm 2024. Trong đó, sản lượng hạt cà phê Arabica dự kiến đạt 35,6 triệu bao 60 kg vào năm 2025, giảm 11,2% so với năm 2024.

Ngoài ra, tình hình thời tiết xấu tại quốc gia này cũng làm gia tăng lo ngại về sản lượng, qua đó hỗ trợ cho giá. Cơ quan Khí tượng Somar đưa tin lượng mưa tại Minas Gerais, bang sản xuất cà phê Arabica lớn nhất tại Brazil, đạt 29,6 mm vào tuần trước đó, mức này chỉ tương đương 31% so với lượng mưa trung bình trong lịch sử.

Thêm vào đó, giá cà phê cũng được hưởng lợi trong bối cảnh tỷ giá USD/BRL nối dài đà giảm sang tuần thứ ba liên tiếp. Cụ thể, tỷ giá USD/BRL chốt tuần qua giảm 0,57% xuống 6,07 điểm, mức thấp nhất trong 6 tuần gần đây. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp có thể khiến nông dân tại Brazil hạn chế bán cà phê do thu về ít ngoại tệ hơn, qua đó làm giảm lượng cà phê xuất khẩu.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (20/1) ghi nhận ở mức 119.300 - 120.000 đồng/kg, giá tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê đã tăng gần gấp đôi.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Thị trường hàng hóa dồi dào phục vụ ngày ông Công, ông Táo
Thị trường hàng hóa dồi dào phục vụ ngày ông Công, ông Táo

Theo lịch vạn niên, tết ông Công, ông Táo năm 2025 nhằm thứ Tư, ngày 22/1/2025 dương lịch. Đây là ngày chính để thực hiện nghi lễ cúng ông Công, ông Táo, tuy nhiên nhiều gia đình đã làm lễ từ ngày 18/1/2025 (tức ngày 19 tháng Chạp âm lịch).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN