Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 123,04 điểm, hay 0,36%, xuống 34.077,63 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 lùi 22,21 điểm, hay 0,53%, xuống 4.163,26 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 137,58 điểm, hay 0,98%, và đóng phiên với 13.914,77 điểm.
Nhìn chung lợi nhuận các doanh nghiệp báo cáo sớm đều vượt kỳ vọng, nhưng giới phân tích cho rằng chứng khoán khó có thể tăng cao hơn nữa. Giới phân tích dự đoán lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp tăng 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Refinitiv IBES.
Đáng chú ý, lực cản lớn nhất đối với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq trong phiên này đến từ Tesla, khi cổ phiếu của “ông lớn” này giảm đến 3,4% sau một vụ va chạm xe khiến hai người thiệt mạng.
Sự sụt giảm gần đây trong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm từ các mức cao nhất trong 14 tháng qua đã giúp các cổ phiếu công nghệ phục hồi nhanh chóng, trong khi các số liệu kinh tế khả quan đã đẩy các chỉ số S&P 500 và Dow Jones lên các mức cao kỷ lục. Trong đó, chỉ số S&P 500 đã liên tục đi lên trong bốn tuần qua, chuỗi tăng điểm dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 8/2020.
Tại Việt Nam, sau những “lình xình” của phiên sáng, đến phiên chiều 19/4, lực cầu tăng mạnh giúp thanh khoản tiếp tục tăng cao và VN-Index vượt mốc 1.260 điểm, mốc cao lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 19/4, VN - Index tăng tới 21,87 điểm lên 1.260,58 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 817,1 triệu đơn vị tương ứng giá trị 19.804,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 197 mã tăng giá, 126 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.
HNX - Index tăng 2,64 điểm lên 295,75 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 158,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 2.797,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 101 mã tăng giá, 117 mã giảm giá và 54 mã đứng ở mốc tham chiếu.